CẨM NANG PHÒNG TRÁNH MỘT SỐ BỆNH TRUYỀN NHIỄM HIỆU QUẢ (PHẦN 1)

30/06/2018 Lúc 10:11sáng Người đăng: admin

CẨM NANG PHÒNG TRÁNH MỘT SỐ BỆNH TRUYỀN NHIỄM HIỆU QUẢ

TTND.PGS.TS.BSCKI.Hà Hữu Tùng

     Bệnh truyền nhiễm là bệnh có khả năng lây truyền từ người này sang người khác, gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe con người và kinh tế cộng đồng. Phương thức lây truyền bằng nhiều con đường khác nhau. Tùy theo từng bệnh mà các con đường lây lan sẽ có sự khác nhau, có bệnh chỉ có 1 đường lây nhiễm còn có bệnh thì có nhiều cách lây lan, trực tiếp hay gián tiếp (như thức ăn, đường hô hấp, dùng chung đồ dùng, máu, da, niêm mạc…) và có khả năng phát triển thành dịch.

Theo phương thức lây truyền thì các bệnh truyền nhiễm gồm 4 nhóm:

  • Các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa.
  • Các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
  • Các bệnh lây truyền qua đường máu.
  • Các bệnh lây truyền qua đường da và niêm mạc.

     Bệnh truyền nhiễm thường phát triển có tính chất chu kỳ, bao gồm các giai đoạn phát triển của bệnh như thời kỳ ủ bệnh, thời kỳ khởi phát, thời kỳ toàn phát, thời kỳ suy yếu và thời kỳ tái phát.

     Để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm chúng ta có nhiều phương pháp khác nhau như: quản lý và xử lý tốt nguồn phát sinh mầm bệnh, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, vệ sinh – an toàn thực phẩm, tăng cường dinh dưỡng – nâng cao thể trạng… Đặc biệt y học hiện đại đã sử dụng biện pháp tạo miễn dịch chủ động cho cá nhân mỗi con người bằng cách sử dụng các loại vắc xin (tiêm hoặc uống) kích thích cơ thể sản xuất ra kháng thể để kháng bệnh đặc hiệu khi gặp mầm bệnh đó.

     Đến nay đã có trên 20 bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh rất hiệu quả, làm giảm đáng kể dịch bệnh, giảm tỷ lệ bệnh tật, giảm tỷ lệ tử vong và di chứng, thậm chí nhiều mặt bệnh đã được thanh toán như bại liệt, uốn ván rốn sơ sinh… Sau đây chúng ta cùng tìm hiểu về một số bệnh và cách sử dụng vắc xin có hiệu quả.

1.    BỆNH LAO

     Bệnh Lao do trực khuẩn Lao (Mycobacterium tuberculosis) gây ra, lây từ người bệnh sang người lành chưa có kháng thể bảo vệ, chủ yếu qua đường hô hấp. Người đã có kháng thể bảo vệ (sau khi tiêm chủng vắc xin) thì ít có nguy cơ mắc bệnh.

     Biểu hiện của bệnh có thể ở tất cả các bộ phận như Phổi, Não, Da, Hạch, Xương, Khớp và các tạng khác gây suy mòn cơ thể và nhiều hậu quả nghiêm trọng. Đáng lo ngại hơn cả là bệnh lây truyền một cách thầm lặng trong cộng đồng; Điều trị phải kéo dài và gây tốn kém về kinh tế cho người bệnh, gia đình và xã hội. Bệnh lao hoàn toàn có thể phòng được bằng nhiều biện pháp, trong đó tiêm vắc xin là biện pháp chủ động và có hiệu quả cao.

     Vắc xin phòng bệnh lao từ chủng vi khuẩn gần giống với chủng gây bệnh cho người: Bacill de Calmett – Guérin (BCG), nên còn được gọi là vắc xin BCG. Vắc xin BCG có 2 loại: Vắc xin BCG sống và vắc xin BCG chết. Vắc xin BCG sống giảm độc lực được dùng phổ biến hiện nay là loại đông khô. Hiệu quả tiêm thể hiện bằng sự chuyển đổi phản ứng tuberculin trong da từ âm tính sang dương tính ở những trẻ được tiêm vắc xin.

Chỉ định dùng vắc xin BCG tại Việt Nam hiện nay:

  – Tập chung chủ yếu ở trẻ sơ sinh và tiêm vét ở trẻ dưới một tuổi.

  – Ngoài ra, có thể tiêm vắc xin BCG cho những người chắc chắn chưa nhiễm lao (phản ứng Mantoux âm tính).

Chống chỉ định tiêm vắc xin BCG:

CNVACXIN1

  – Cân nhắc kỹ những trường hợp sau:

    + Viêm da có mủ.

    + Sốt trên 37,50C.

    + Rối loạn tiêu hóa và suy dinh dưỡng.

    + Các bệnh có ảnh hưởng đến toàn thể trạng trẻ em như: Viêm tai, viêm mũi họng viêm phổi, vàng da…

   + Đang sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch

 – Không tiêm cho những người đã bị nhiễm vi khuẩn lao.

– Không được tiêm cho người nhiễm HIV không có triệu chứng.

  – Bị bệnh ác tính như bệnh bạch cầu cấp, lymphoma, khối u của hệ thống liên võng – nội mạc, người bị suy giảm miễn dịch do bị bệnh hoặc do tia xạ hoặc do thuốc.

Tác dụng phụ của vắc xin BCG:

  – Triệu chứng sốt nhẹ nổi hạch, áp xe tại chỗ: Thường xuất hiện 24 giờ sau khi tiêm chủng và chỉ tồn tại trong vòng 1-3 ngày, rồi sau đó tự hết mà không cần phải điều trị gì. Thông thường sau khi tiêm vắc xin BCG, xuất hiện một nốt nhỏ tại chỗ tiêm và biến mất sau 30 phút. Sau khoảng 2-4 tuần, vết tiêm sưng đỏ đau viêm mủ. Vết này vỡ và để lại vết sẹo khoảng 5 mm, là một dấu hiệu cho thấy trẻ được tiêm chủng có hiệu quả.

  – Hiếm gặp (1/1.000.000): Viêm tủy, nhiễm trùng BCG toàn thân, viêm hạch bạch huyết có mủ (xuất hiện từ 2-6 tháng sau tiêm BCG).

2.    BỆNH BẠCH HẦU – HO GÀ – UỐN VÁN

     a/ Bệnh Bạch hầu do loại vi khuẩn tên Corynebacterium Diphtheria gây ra. Bệnh thường truyền từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc thông qua việc tiếp xúc với các đồ vật có chứa vi khuẩn. Khởi bệnh chủ yếu là họng và thanh quản ở trẻ em có thể gây thành dịch, gây hậu quả nghiêm trọng bằng Ngoại độc tố gây độc Thần kinh và Cơ tim, nhanh chóng gây tử vong bằng hội chứng suy hô hấp/ sốc nhiễm trùng-nhiễm độc

CNVACXIN2

     b/ Bệnh Ho gà do vi khuẩn tên Bordetella pertussis gây ra tại đường hô hấp ở trẻ nhỏ và thành dịch, biểu hiện đặc trưng là ho thành chuỗi với tần số tăng dần, cường độ yếu dần, cuối cơn là hít thở vào thật dài tạo nên tiếng rít giống với tiếng rít của gà, kèm theo là mặt và mắt đỏ, chảy nước mắt, nước mũi, tĩnh mạch cổ nổi to…gây nhiều biến chứng nặng và tử vong cao.

CNVACXIN3

     c/ Bệnh uốn ván do vi khuẩn tên Clostridium tetani gây ra, phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí, hay gặp là cuống rốn và vết chầy da. Ngoại độc tố gây tổn thương nhiều tại thần kinh cơ, gây co cứng cơ liên tục từ cơ hàm mặt(gây cứng hàm) đi xuống đặc biệt là các nhóm cơ duỗi làm cơ thể luôn uốn cong về sau như “đòn gánh”, gây tử vong rất cao.

CNVACXIN4

     Tổ hợp vắc xin (tam liên) phòng bệnh Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván (Vaccinum Diphtheriae Pertussis Tetani adsorbatum: Viết tắt là DPT) là một hỗn dịch vô khuẩn để tiêm, được điều chế bằng cách trộn các lượng thích hợp giải độc tố vi khuẩn bạch hầu, uốn ván và vi khuẩn Bordetella pertussis tế bào hoặc không tế bào bất hoạt và được hấp phụ trên nhôm hydroxyd (tối đa là 1,25 mg/liều), chất bảo quản và nước muối sinh lý vừa đủ.

     Sau khi tiêm bắp, vắc xin DPT có tác dụng kích thích cơ thể sản sinh ra kháng thể kháng độc tố bạch hầu, kháng thể kháng độc tố uốn ván và kháng thể kháng ho gà.

Chỉ định dùng vắc xin DPT: Mọi trẻ em từ 2 tháng tuổi đến 7 tuổi đều cần được tiêm vắc xin phòng Bạch hầu – Ho gà và Uốn ván.

Chống chỉ định tiêm vắc xin DPT:

  – Không dùng vắc xin DPT cho những trẻ có tiền sử quá mẫn toàn thân với giải độc tố bạch hầu và uốn ván hoặc vắc xin ho gà, những người có tiền sử quá mẫn với thimerosal, những người bị giảm tiểu cầu hoặc bất cứ rối loạn đông máu nào không cho phép tiêm bắp.

  – Những trẻ có tổn thương hệ thần kinh trung ương, đang còn tiến triển hoặc có động kinh chưa kiểm soát được. Trẻ có tiền sử tổn thương não khi đẻ vẫn phải tiêm chủng trừ phi có chứng cứ bệnh vẫn còn tiến triển.

  – Sốt vừa hoặc cao.

Tác dụng phụ khi tiêm vắc xin DPT:

  – Thường gặp: Sờ nắn đau, ban đỏ, rắn tại chỗ tiêm.

  – Ít gặp: Sốt 39 – 40­­oC, thường kéo dài tới 48 giờ.

  – Hiếm gặp: Hạch cổ, phản ứng phản vệ; co giật có sốt hoặc không, thường xảy ra trong vòng 3 ngày sau khi tiêm phòng; kêu khóc kéo dài, không dỗ được thường xảy ra trong vòng 48 giờ và lâu khoảng 3 giờ hoặc hơn; bệnh não xảy ra trong vòng 7 ngày; sốt 40,50C hoặc cao hơn xảy ra trong vòng 48 giờ. Triệu chứng bệnh não cấp (kích thích, ngủ quá mức hoặc nôn nặng liên tục).

3.    BỆNH BẠI LIỆT

     Bệnh bại liệt của trẻ em hay Polio (tiếng Latin: Poliomyelitis) là một chứng bệnh nhiễm trùng cấp tính do siêu vi trùng poliovirus lây theo đường phân-miệng. Khi nhiễm vào cơ thể, siêu vi trùng lan vào hệ thần kinh trung ương, làm yếu các và làm bại liệt.

CNVACXIN5

     Bệnh bại liệt do vi rút Polio gây ra chủ yếu bởi 1 trong 3 vi rút týp 1, 2 hoặc 3. Vi rút bại liệt (polio) hoang dại là vi rút lưu hành tự nhiên và gây bệnh cho người. Bệnh bại liệt ảnh hưởng chủ yếu trẻ em dưới 5 tuổi.

     Phòng bệnh bại liệt polio bằng uống vắc xin bại liệt (OPV: Oral Polio Vaccine). Vắc xin OPV là vắc xin sống giảm độc lực chứa 3 tuýp 1,2,3 độc lập hoặc dạng phối hợp (tuýp 1,2,3 hoặc 1,3). Ngoài ra, còn có vắc xin bại liệt tiêm (IPV: Inactivated Polio Vaccine) nhưng ít sử dụng.

     Vắc xin bại liệt uống được đóng gói dưới dạng dung dịch dưới 2 hình thức: Ống vắc xin nhỏ bằng nhựa hoặc Lọ thủy tinh và ống nhỏ giọt được đựng trong 1 túi riêng.

     Vắc xin OPV rất ít có phản ứng phụ. Chỉ có khoảng dưới 1% tổng số người uống vắc xin có biểu hiện đau đầu, tiêu chảy hoặc đau cơ. Nguy cơ về liệt do vắc xin là rất nhỏ, với tỷ lệ khoảng 2 – 4 trường hợp/1 triệu trẻ được uống vắc xin.

4.    BỆNH VIÊM GAN B

     Viêm gan B là một số dạng bệnh viêm gan do vi rút viêm gan B gây ra, lây truyền theo đường máusinh dục lây nhiều trong dân số trên toàn thế giới, nhiều nhất tại các nước đang phát triển. Có thể gặp viêm gan cấp hoặc viêm gan mãn tính, có nhiều biến chứng nặng nề như Suy gan, Xơ gan và Ung thư gan.

CNVACXIN6

     Việc lan truyền vi rút ở chu sinh (khoảng thời gian sinh) hoặc sau khi sinh (trong những ngày đầu sau sinh) là một nguyên nhân quan trọng của nhiễm trùng mãn tính trên toàn cầu.

     Tất cả trẻ sơ sinh nên được tiêm chủng vắc xin phòng ngừa viêm gan B ngay sau sinh, tốt nhất là trong vòng 24 giờ sau sinh. Chỉ sử dụng vắc xin viêm gan B đơn giá tiêm liều sơ sinh và có thể tiêm chủng cùng với vắc xin BCG.

     Sau liều tiêm sơ sinh, vắc xin viêm gan B nên được tiêm phối hợp cùng với DTP (bạch hầu, ho gà, uốn ván) và Hib (viêm phổi và viêm màng não= Hemophilus influenza túy b). Hiện nay trên thị trường đang lưu hành loại vắc xin 5 trong 1 chính là loại vắc xin phối hợp này, điển hình như: PENTAXIM.

      Vắc xin viêm gan B cũng có thể được sử dụng cho các nhóm tuổi lớn hơn có nguy cơ nhiễm bệnh, bao gồm cả bệnh nhân truyền máu thường xuyên, bệnh nhân lọc máu, tiêm chích ma túy, các thành viên trong gia đình và đối tượng quan hệ tình dục với bệnh nhân viêm gan B mãn tính được biết đến và nhân viên y tế.

Tính an toàn và những phản ứng sau khi tiêm: Vắc xin viêm gan B là một trong những vắc xin an toàn nhất:

  – Những phản ứng nhẹ có thể gặp: Có khoảng 15% người lớn và 5% trẻ nhỏ cảm thấy đau, đỏ hoặc sưng nhẹ tại chỗ tiêm, sốt. Khoảng 1% đến 6% có biểu hiện sốt nhẹ từ 1 đến 2 ngày sau tiêm.

  – Dị ứng cũng như những biến chứng do vắc xin này là rất hiếm phản ứng dị ứng như nổi ban, khó thở chiếm tỷ lệ khoảng 1/600.000 liều. Chưa có trường hợp tử vong nào được báo cáo.

5.    BỆNH SỞI

      Bệnh Sởi là do virus sởi gây ra, một loại virus ARN thuộc chi Morbilivirus nằm trong họ Paramyxoviridae.

CNVACXIN7

      Bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp từ người bệnh sang người lành qua những giọt nhỏ nước bọt do người bệnh thải ra khi ho hoặc hắt hơi. Bệnh rất dễ lây truyền ở những nơi tập trung nhiều trẻ em như ở các cơ sở y tế và trường học.

     Bệnh diễn biến cấp tính đặc trưng là hội chứng viêm long đường hô hấp, ban dạng dát-sẩn xuất hiện tuần tự từ mặt, cổ, ngực, thân, chân tay kèm theo sốt cao.

     Các biến chứng thường gặp của sởi là viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, loét giác mạc, viêm cơ tim, viêm não và suy giảm miễn dịch. Chính các biến chứng này làm kéo dài thời gian bệnh, ảnh hưởng đến dinh dưỡng của trẻ. Hậu quả là suy dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng đến lượt nó, lại là tiền đề cho các bệnh nhiễm trùng phát sinh – Đây là vòng luẩn quẩn bệnh lý thường gặp.

     Phòng bệnh bằng cách tiêm vắc xin chứa thành phần sởi, tiêm hai liều vắc xin sởi là cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh sởi. Những trẻ em đã khỏi bệnh sởi có miễn dịch phòng bệnh suốt đời.

     Vắc xin sởi có thể đơn giá (measles:M ) hay vắc xin sởi phối hợp rubella ( R), quai bị ( Mumps:M ) và thủy đậu (virus Varicella zoster: V).

Tính an toàn của vắc xin: Tất cả các vắc xin có thành phần sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng đều an toàn và hiệu quả.

– Những phản ứng nhẹ do vắc xin thường ít gặp, có thể là:

    + Đau nhức: Một vài trẻ có thể cảm thấy đau tại nơi tiêm trong 24 giờ sau tiêm. Phần lớn phản ứng này sẽ mất đi trong vòng 2 đến 3 ngày mà không cần phải điều trị gì.

    + Sốt: Khoảng 5% trẻ có biểu hiện sốt sau khi tiêm 5 đến 12 ngày và sốt kéo dài 1 đến 2 ngày.

    + Ban: Khoảng 1/20 trẻ có biểu hiện ban nhẹ trong khoảng 5 đến 12 ngày sau tiêm. Ban cũng thường kéo dài khoảng 2 ngày.

  – Những phản ứng nặng hiếm gặp; ước tính có khoảng 1 trường hợp bị quá mẫn với vắc xin trên 1.000.000 liều vắc xin; 1 trường hợp dị ứng trên 100.000 liều vắc xin và 1 trường hợp giảm tiểu cầu trên 30.000 liều vắc xin được tiêm. Viêm não cũng đã được ghi nhận là có khoảng 1 trên 1 triệu liều vắc xin được tiêm. Tuy nhiên trong những trường hợp đó, không có chứng cứ chứng tỏ nguyên nhân là do vắc xin. XEM TIẾP PHẦN 2

Các tin liên quan