Các loại vitamin, đặc biệt là vitamin C, thường được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo bổ sung trong mùa dịch bệnh để giúp tăng cường hệ miễn dịch một cách hiệu quả.
Vitamin C có vai trò tăng cường miễn dịch, cần thiết cho các tế bào miễn dịch lympho T và bạch cầu, từ đó làm tăng chức năng của hệ miễn dịch. Thiếu vitamin C, sự nhạy cảm với các bệnh nhiễm khuẩn tăng lên, tính thấm mao mạch tăng, mạch dễ vỡ, da khô ráp. Nếu bổ sung đủ vitamin C, các globulin miễn dịch IgA và IgM tăng, hoạt tính của bạch cầu tăng, kích thích chuyển dạng các lympho và giúp hình thành các bổ thể.
Thường xuyên ăn thực phẩm giàu vitamin C sẽ không dẫn đến bất kỳ vấn đề sức khỏe nào. Tuy nhiên, dùng quá nhiều vitamin C theo đường uống có thể gây ra tác dụng phụ. Khi một người dùng nhiều hơn giới hạn vitamin C mà cơ thể cần thiết có thể bị một số tác dụng phụ nhẹ phổ biến:
- Tiêu chảy, buồn nôn
- Co thắt dạ dày
- Khó chịu ở bụng, đầy hơi
Cơ thể không hấp thụ tất cả các vitamin C mà nó có được từ các chất bổ sung. Nếu một người dùng 30 – 180 mg vitamin C mỗi ngày, cơ thể họ sẽ hấp thụ khoảng 70% đến 90% lượng vitamin này. Nếu một người dùng nhiều hơn 1 gram (g) vitamin C mỗi ngày, cơ thể sẽ hấp thụ ít hơn 50% vitamin. Vitamin C thuộc nhóm Vitamin tan trong nước nên khi nếu bổ sung nhiều hơn nhu cầu thì lượng vitamin C còn lại sẽ được đào thải qua đường nước tiểu, giúp giảm nguy cơ tác dụng phụ tiêu cực.
Tác dụng phụ nghiêm trọng, ít phổ biến hơn nếu dùng vitamin C quá liều cơ thể không đào thải kịp: sỏi thận, gai cột sống, mất cân bằng dinh dưỡng( làm giảm nồng độ vitamin B12, đồng trong cơ thể và có thể làm tăng cường hấp thu sắt trong cơ thể quá mức…)
Nên dùng bao nhiêu Vitamin C?
Liều lượng vitamin C được khuyên dùng mỗi ngày và lượng vitamin C tối đa cho phép trong 1 ngày đối với người ở từng nhóm tuổi cụ thể như sau (Theo RDAs) :
- Trẻ từ 0 – 6 tháng: 40mg/ngày. Chưa có định mức tối đa.
- Trẻ từ 7 – 12 tháng: 50mg/ngày. Chưa có định mức tối đa.
- Trẻ từ 1 – 3 tuổi: 15mg/ngày. Tối đa 400mg/ngày
- Trẻ từ 4 – 8 tuổi: 25 mg/ngày. Tối đa 650mg/ngày
- Trẻ từ 9 – 13 tuổi: 45mg/ngày. Tối đa 1200mg/ngày
- Trẻ vị thành niên 14 – 18 tuổi: 75mg/ngày (với nam) và 65mg/ngày (với nữ). Tối đa 1800mg/ngày
- Người lớn trên 19 tuổi: 90mg/ngày (với nam) và 75mg/ngày (với nữ). Tối đa 2000mg/ngày.
Một số trường hợp đặc biệt cần bổ sung thêm vitamin C như:
- Người hút thuốc lá nên bổ sung thêm 35mg/ngày so với liều khuyên dùng
- Phụ nữ khi mang thai nên bổ sung 85mg vitamin C mỗi ngày
- Phụ nữ đang cho con bú nên bổ sung 120mg vitamin C mỗi ngày
Tóm lại, Vitamin C có tác dụng phụ có hại nếu một người dùng quá nhiều bằng đường uống. Thông thường, một người sẽ không gặp phải tác dụng phụ nếu ăn nhiều thực phẩm có chứa vitamin C. Các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyên rằng nên sử dụng vitamin C nguồn từ thực phẩm vì nó có giá trị tốt hơn, ví dụ như vitamin C trong cam có giá trị tốt hơn hẳn viên vitamin C 500mg dù hàm lượng chỉ bằng 1/10. Một số thực phẩm giàu vitamin C thông dụng:
Bảng hàm lượng vitamin C có trong 100g mỗi loại thực phẩm:
Tên thực phẩm | Vitamin C (mg/100g) | Tên thực phẩm | Vitamin C (mg/100g) |
Nhóm rau | Nhóm quả | ||
Ớt vàng to | 250 | Vải khô | 183 |
Ớt đỏ to | 190 | Bưởi | 95 |
Cần tây | 150 | Quả kiwi | 92 |
Rau mùi | 140 | Chanh | 77 |
Rau sắng | 114 | Ổi | 62 |
Rau giền đỏ | 89 | Nhãn | 58 |
Súp lơ xanh | 88 | Quýt | 55 |
Cải ngọt | 78 | Đu đủ chin | 54 |
Rau diếp cá | 68 | Nho ta | 45 |
Rau giền cơm | 63 | Cam | 40 |
Cải bắp đỏ | 60 | ||
Rau ngót | 53 |
Bên cạnh vitamin C thì vitamin A, E, D, B cũng có vai trò giúp củng cố hàng phòng vệ của cơ thể một cách hiệu quả. Vì thế, mỗi người cần phải xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý để cơ thể luôn khỏe mạnh song song với việc tăng cường vận động, giữ gìn vệ sinh cá nhân, sức miệng bằng nước muối thường xuyên để có một lá chắn đề kháng tốt nhất trong mùa Covid.
Nguồn: Đinh Ngân – Khoa Tiết Chế – Dinh Dưỡng, Bệnh Viện Đa Khoa Nông Nghiệp.