Khi bệnh nhân tìm đến bệnh viện thì thái độ của thầy thuốc, từ cô y tá đến ông bác sĩ đều rất quan trọng. Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân luôn nhìn thái độ thầy thuốc để đoán bệnh tình của họ và cũng hình thành cả cảm tình tốt xấu với thầy thuốc trong tiếp xúc. Trước hết, lời nói của thầy thuốc rất quan trọng đối với bệnh nhân. Thế nhưng lời nói không thể do tập tành mà có được sức diễn đạt tốt, cảm hoá động viên được bệnh nhân. Lời nói là kết quả phản ánh cái tâm thầy thuốc qua giọng nói, ngôn từ, ánh mắt cùng với những kinh nghiệm, tri thức, vốn sống, đạo đức của người thầy thuốc. Bên cạnh lời nói, thái độ tự tin rất cần thiết đối với thầy thuốc. Sự tự tin làm bệnh nhân và người nhà bệnh nhân vững tâm. Tuy vậy tự tin không phải là tự cao, phải hết sức khiêm tốn để học tập, học thầy, học bạn, học ở bệnh nhân, y tá. Giáo sư Tôn Thất Tùng thường nói: “Trong đời tôi có ba người thầy quan trọng: Thực tế, bệnh nhân và y tá”. Chính sự tự tin làm thầy thuốc trong khi khám bệnh nghiêm túc, đứng đắn nhưng không gay gắt, gò bó; Thân mật gần gũi nhưng không luộm thuộm xuề xòa, mất ranh giới bệnh nhân và thầy thuốc; vui vẻ thân mật, biết bông đùa nhưng không quá trớn, xúc phạm đến bệnh nhân. Một đặc điểm lớn nhất trong khám chữa bệnh là thầy thuốc biết lắng nghe. Cuộc đối thoại giữa bệnh nhân và thầy thuốc phải luôn luôn trong không khí thân mật tôn trọng, người thầy thuốc phải chú ý lắng nghe mọi lời nói, mọi tư tưởng, mọi suy nghĩ, lắng nghe những sâu kín đằng sau những lời nói của bệnh nhân. Bên cạnh lời nói bệnh nhân có thể dùng cử chỉ, thái độ, nét mặt, cái nhìn…trong đối thoại, vì vậy thầy thuốc phải “nghe bằng mắt” để hiểu được những điều sâu kín của bệnh nhân… Tất nhiên có không ít bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thích tỏ ra hiểu biết, hay tỏ ra quen cấp trên thầy thuốc hoặc coi thầy thuốc như “thợ” sửa chữa thân thể với những giao kèo hứa hẹn biết ơn rất trơ tráo thì thầy thuốc cũng không nên có phản ứng tức thời theo cảm nghĩ chủ quan của mình mà không hiểu nội dung, nguyên nhân, tác dụng của lời nói đó. Phản ứng chủ quan chẳng những không có ích gì mà còn làm cho người nói bị “dội” ra vì thấy cái tôi của thầy thuốc và họ bị cụt hứng không muốn tiếp tục bộc lộ cảm nghĩ của mình. Vì vậy, thầy thuốc cần gạt bỏ phản ứng chủ quan để tập trung chú ý nghe người bệnh nói. Khi bệnh nhân có tình cảm và lòng tin đối với thầy thuốc và bệnh viện, bao giờ cũng coi thầy thuốc là vị cứu tinh của mình nên thầy thuốc chớ làm mất lòng tin đó và phải củng cố lòng tin đó; muốn vậy thì thầy thuốc phải có lòng thương yêu bệnh nhân, tin tưởng gắn bó với bệnh nhân, không sợ bệnh nhân không tin mình, thiếu tình cảm với mình mà chỉ sợ thầy thuốc đánh mất tình cảm, lòng tin trong lòng bệnh nhân. Những thầy thuốc giỏi còn có biệt tài thu hút tình cảm bệnh nhân ngay từ phút đầu. Tài năng này là kết quả của quá trình tiếp xúc, gần gũi với bệnh nhân. Chữa bệnh, thầy thuốc còn chữa cả tâm trạng bệnh nhân, vì vậy thầy thuốc phải nghiên cứu tâm lý bệnh nhân, các biểu hiện rối loạn quá trình tâm lý, biết trạng thái bệnh nhân trước khi vào viện và trong lúc nằm viện như thế nào? Phải nghiên cứu kỹ tâm lý bệnh nhân một cách toàn diện. Tiếp xúc với bệnh nhân phải bắt đầu từ cổng bệnh viện, đến phòng nhận bệnh rồi đến các khoa phòng, phải làm tốt chế độ tâm lý, tiếp xúc bệnh nhân từ người bảo vệ, hộ lý đến bác sĩ, giám đốc luôn vui vẻ, niềm nở, tiếp đón bệnh nhân như tiếp đón người nhà, tạo không khí ấm cúng, làm dịu cảm giác lúng túng, rụt rè, lo lắng ban đầu của bệnh nhân khi đến bệnh viện. Ngay từ đầu phải biết tâm tư, nguyện vọng và đi sâu vào tìm hiểu trực tiếp tâm lý, tinh thần của bệnh nhân. Đó là thời điểm thuận lợi nhất để bệnh nhân nói hết với thầy thuốc. Trong tiếp xúc, thầy thuốc phải tế nhị trong khi hỏi bệnh sử và cần để bệnh nhân tự giác trình bày. Thái độ thầy thuốc với bệnh nhân không chỉ là văn hóa ứng xử trong bệnh viện mà còn là liều thuốc đầu tiên vô cùng quý giúp bệnh nhân yên tâm chữa trị bệnh tật của mình. |
Nguồn tin : Sức khỏe và đời sống – Ngày 20/11/2011 |