“Tán sỏi mật qua da”: Bước tiến mới trong điều trị bệnh lý sỏi đường mật tại Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp

23/07/2019 Lúc 10:34sáng Người đăng: Việt Ny

Tán sỏi mật qua da bằng Laser là phương pháp tiếp cận qua da, xuyên gan vào đường mật, sử dụng Laser Holmium để tán sỏi, lấy mảnh vụn sỏi ra ngoài hoặc đẩy xuống ruột. Chỉ định: Sỏi đường mật trong, ngoài gan; Sỏi túi mật.

Đây là phẫu thuật mới trên thế giới vì vậy để thực hiện “Tán sỏi qua da bằng Laser” đòi hỏi bệnh viện phải được trang bị máy móc thật sự hiện đại, Bác sỹ phải được đào tạo bài bản và có tay nghề rất cao.

Không nằm ngoài xu thế đó Bệnh viện Đa khoa Nông Nghiệp đã đầu tư trang thiết bị hiện đại như máy Can thiệp mạch, máy C – arm định vị, … Và đặc biệt dưới sự giúp sức và hỗ trợ đắc lực từ phía các chuyên gia Bệnh viện Đại Học Y, các Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp đã từng bước tiếp cận học hỏi và tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật một cách bài bản và đầy đủ nhất.

1

      Hình ảnh: Máy can thiệp mạch tại cơ sở 1 – Bệnh viện đa khoa Nông Nghiệp

Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp đã triển khai can thiệp thành công “Tán sỏi qua da bằng Laser” cho 5 bệnh nhân với tỉ lệ thành công là 100 %. Tỉ lệ sạch sỏi sau tán là 100 %.

Xin giới thiệu quý độc giả một ca bệnh vừa được phẫu thuật thành công bằng phương pháp “Tán sỏi qua da bằng Laser” vừa mới được thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp:

Bệnh nhân Nguyễn V. T 42 tuổi phát hiện sỏi đường mật đúc khuôn ống gan phải nhiều năm nay. Bệnh nhân đã điều trị nhiều tại Hà Nội nhưng không đỡ. Bệnh diễn biến từng đợt nặng dần với các triệu chứng: đau bụng vùng hạ sườn phải, sốt cao 39 – 40 độ C kèm vàng da và niêm mạc nhợt.

Ngày 08/07/2019 Bệnh nhân đau bụng nhiều, vàng da và niêm mạc sậm gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp khám và điều trị. Qua thăm khám và làm đầy đủ các xét nghiệm cận lâm sàng, siêu âm ổ bụng, chụp MRI ổ bụng các Bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị “Sỏi đúc khuôn đường mật gan phải”.

2

3

Hình ảnh chụp MRI: Sỏi đúc khuôn ống gan phải

Bệnh nhân có chỉ định can thiệp Ngoại khoa. Hội chẩn liên khoa giữa Bác sỹ Ngoại Tổng hợp –  Bác sỹ khoa Chẩn đoán hình ảnh – Bác sỹ Gây mê hồi sức Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp. Kết luận phương pháp điều trị tối ưu nhất đối với bệnh nhân là “Tán sỏi đường mật qua da”. Đây là phương pháp điều trị hiện đại nhất và ít xâm hại người bệnh nhất với đường vào chỉ 6mm. Trước đây mổ mở đường vào dài 20 – 30 cm.

Bệnh nhân được phẫu thuật mổ kế hoạch ngày 09/07/2019 – sau nhập viện 1 ngày. Kíp phẫu thuật gồm: Bác sỹ Cung khoa Ngoại Tổng hợp (BVĐKNN) – Bác sỹ Tuấn Anh khoa Ngoại Tổng hợp (BVĐKNN) – Bác sỹ Đạt khoa Ngoại Tổng hợp (BVĐKNN) – Bác sỹ Bình khoa Chẩn đoán hình ảnh (BVĐKNN) – Bác sỹ Bình (BV- ĐHY)

4

                        Hình ảnh: Bác sĩ Ngoại Tổng Hợp tán sỏi

5

                               Hình ảnh: Sỏi đúc khuôn ống gan phải dưới định vị C-arm

Sau 2 tiếng các Bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp đã lấy được toàn bộ khối sỏi đúc khuôn đường mật trong ống gan phải và bảo tồn được hệ thống đường mật toàn vẹn.

6

                                Hình ảnh XQ chụp đường mật sau tán sỏi

Bệnh nhân sau khi được điều trị tốt đã xuất viện sau 7 ngày điều trị. Hiện tại tái khám lại sau 15 ngày xuất viện, tình trạng sức khỏe bệnh nhân ổn đinh, ăn ngủ tốt, các chỉ số sinh hóa trong giới hạn bình thường.

Sỏi mật là tình trạng hình thành sỏi trong đường mật, nguyên nhân do ứ đọng dịch mật và vi khuẩn trong đường mật. Đây là bệnh lý thường gặp, sỏi có thể nằm ở các vị trí như : OMC, túi mật, trong gan. Do sỏi nằm ở nhiều vị trí khác nhau nên việc điều trị triệt để gặp nhiều khó khăn. Tần suất gặp ở tuổi trưởng thành tương đối cao:  Mỹ 10-15% người mắc bệnh, tại Việt Nam chiếm khoảng 7 %.

Sỏi mật có hai dạng: Sỏi Cholesterol (vàng) và sỏi Bilirubin (nâu, đen)

  • Sỏi Cholesterol: Cholesterol dư thừa không được trung hòa bởi muối mật mà vón cục.
  • Sỏi Bilirubin : Nhiễm khuẩn dẫn tới bilirubin kết hợp Calxi, hình thành trên một nhân Cholesterol hoặc xác giun,dịch nhày trong đường mật.

Việt Nam: hay gặp sỏi Bilirubin, tỷ lệ sỏi Cholesterol tăng dần do điều kiện sống cải thiện. Các yếu tố nguy cơ gây mắc sỏi mật : Tuổi: >40: nguy cơ mắc tăng 4-10 lần; Giới: nữ / nam = 2,5/1; Tiền sử gia đình (gen): tăng 2 lần; Béo phì: tăng 1,5 lần; Tiểu đường: tăng 1,6 lần; Xơ gan, bệnh gan (mà giảm tổng hợp muối mật)  tăng gấp 2 lần

Các biến chứng của bênh lý sỏi mật: Tắc mật cấp; Viêm tụy cấp; Viêm mủ, áp xe đường mật; Thấm mật phúc mạc; Viêm phúc mạc mật; Hẹp đường mật; Ung thư đường mật; Các biến chứng của bênh lý sỏi mật nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn tới tỷ lệ biến chứng nặng và nguy cơ tử vong cao.

Các phương pháp điều trị sỏi đường mật chính:

  1. Nội khoa: Kháng sinh, giãn cơ, hạ sốt, an thần
  2. Ngoại khoa
  • Phẫu thuật mổ mở

+ Ưu điểm: là phương pháp kinh điển được lựa chọn hàng đầu trong nhiều thập kỉ qua; không cần trang thiết bị đắt tiền.

+ Nhược điểm: Bệnh nhân chịu đựng cuộc mổ lớn tàn phá tổ chức và nhiều nguy cơ biến chứng; Phẫu thuật lấy sỏi sót vô cùng khó khăn do viêm dính, thay đổi giải phẫu, mức độ khó tăng dần với số lần mổ; Thời gian nằm viện dài (~ 20 ngày), hậu phẫu vất vả.

  • Tán sỏi đường mật qua da

+ Ưu điểm: Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu; thời gian nằm viện ngắn (~ 8 ngày); Tỷ lệ sạch sỏi cao; Tỷ lệ nguy cơ biến chứng thấp. Cần trang thiết bị rất hiện đại; Đội ngũ bác sỹ có chuyên môn tay nghề cao.

Bs CKII. Nguyễn Thanh Tùng – Phụ trách khoa Ngoại Tổng Hợp Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp khuyến cáo người dân nên có chế độ ăn uống hợp lý, sinh hoạt thể dục thể thao điều độ. Tránh sử dụng các chất kích thích nguy hại tới gan mật. Khám sức khỏe định kì giúp phòng bệnh và phát hiện sớm bệnh để có phương pháp điều trị phù hợp.

Nguồn tin: Bs Lương Thành Đạt

Các tin liên quan