SẢN GIẬT & TIỀN SẢN GIẬT – MẸ BẦU NÊN BIẾT VỀ BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM NÀY

24/03/2023 Lúc 11:28sáng Người đăng: Phạm Thị Thu Hà

Sản giật – Tiền sản giật là một trong 5 tai biến sản khoa đặc biệt nguy hiểm, có nguy cơ đe dọa tính mạng của sản phụ lẫn thai nhi và có đến 10-15% thai phụ mắc tình trạng này. Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Nông Nghiệp vừa cấp cứu thành công một sản phụ 39 tuổi, mang thai lần 2 ở tuần thứ 35, trên nền có vết mổ đẻ cũ bị tình trạng sản giật nặng .

11

(Phẫu thuật cấp cứu sản phụ sản giật nặng tại Bệnh viện Đa khoa Nông Nghiệp)

Sản phụ Vũ T .T. H (39 tuổi, trú tại xã Đại Cường, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) nhập viện vào hồi 22h24p ngày 18/03/2023 trong tình trạng hôn mê, phù toàn thân, huyết áp tăng cao 165/90mmHg. Qua khai thác người nhà được biết, trong quá trình mang thai sản phụ không khám và quản lý thai nghén tại cơ sở y tế có chuyên khoa phụ sản nào, mà chỉ đi siêu âm thai tại phòng khám tư, sản phụ đã xuất hiện 3 cơn giật chỉ trong 2 tiếng trước khi vào viện. Xét nghiệm có tình trạng tăng men gan, protein niệu 5g/ lít. Qua thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng, các bác sĩ đã hội chẩn chuyên khoa và chẩn đoán sản giật thai 35 tuần – lần 2 trên nền vết mổ đẻ cũ.

Ngay lập tức báo động đỏ được kích hoạt, huy động các bác sĩ chuyên khoa cấp cứu, sản, nhi, phẫu thuật gây mê, hồi sức tích cực tiến hành phẫu thuật cấp cứu lấy thai nhi. Chỉ sau 30 phút cấp cứu đồng thời thực hiện đầy đủ các xét nghiệm cần thiết, siêu âm tại giường, ca phẫu thuật đã được chuẩn bị cẩn thận và diễn ra thành công cứu sống sản phụ qua cơn nguy kịch và đón bé trai nặng 2,2kg chào đời lúc 23h12p cùng ngày. Sau mổ bệnh nhân được chuyển sang Khoa hồi sức tích cực kết hợp chuyên khoa Phụ Sản theo dõi và xử trí tiếp. Sau 05 ngày phối hợp điều trị hồi sức tích cực, sản khoa, nhi khoa, hiện tại tình trạng của mẹ và bé đã ổn định.

10

(Hình ảnh hiện tại của em bé với sức khỏe hoàn toàn bình thường sau 05 ngày điều trị tích cực tại Bệnh viện)

Xin gửi lời cảm ơn đội ngũ y bác sỹ, điều dưỡng tại Khoa Phụ sản cùng với các khoa khác – Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp đã nỗ lực xử trí kịp thời, đảm bảo an toàn và sức khỏe cho mẹ và bé.

3

(Bác sĩ CKI Lê Thị Hồng – Trưởng Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Nông Nghiệp thăm khám và dặn dò sản phụ trước khi ra viện)

Vì vậy, những bà mẹ đang mang thai cần chú ý đến sự xuất hiện của các triệu chứng tiền sản giật và sản giật, nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe của mình và thăm khám thai định kỳ tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có chuyên khoa phụ sản. Ngoài ra, để tránh tiền sản giật, phụ nữ mang thai nên tập thể dục đều đặn, kiểm soát cân nặng và ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.

Nếu bạn đang mang thai và có bất kỳ triệu chứng nào của tiền sản giật hoặc sản giật, hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức để được khám và điều trị kịp thời. Việc chăm sóc sức khỏe trong thai kỳ là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe của bạn và sự phát triển của thai nhi.

Với phương châm “Vì sức khỏe của bạn, chúng tôi luôn sẵn sàng” Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp luôn đặt sức khỏe của người bệnh lên hàng đầu, chúng tôi đã và đang nỗ lực không ngừng để xứng đáng là ĐỊA CHỈ ĐỎ với người dân cả nước.

Nếu có thắc mắc hay cần hỗ trợ tư vấn về các thủ tục hành chính và quy trình khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, Quý Anh/Chị vui lòng liên hệ cho chúng tôi theo số điện thoại 0966 942 186. Chúng tôi sẽ hỗ trợ giải đáp trong thời gian sớm nhất.

Nguồn: Công tác xã hội – Phòng Quản lý chất lượng

Các tin liên quan