PHÒNG BỆNH LAO VÀ GIÁ TRỊ CỦA TIÊM PHÒNG LAO SƠ SINH

20/06/2018 Lúc 10:06sáng Người đăng: Hà Hữu Tùng

PHÒNG BỆNH LAO VÀ GIÁ TRỊ CỦA MŨI TIÊM PHÒNG LAO SƠ SINH

TTND.PGS.TS.BSCKI Nhi. Hà Hữu Tùng

BỆNH LAO LÀ GÌ?

Bệnh lao là một bệnh nhiễm khuẩn, một bệnh lây, Khi nhiễm vi khuẩn lao, bệnh có thể biểu hiện tại da, phổi,  xương, hạch bạch huyết, hệ thần kinh, tim và các cơ quan khác. Nguyên nhân gây bệnh lao là do vi khuẩn lao có tên là Mycobacterium Tuberculosis (MTB) từ người bệnh sang người lành. Nguồn lây là những bệnh nhân lao nói chung, đặc biệt là lao phổi khạc ra vi khuẩn lao trong đờm là nguồn lây bệnh nguy hiểm nhất. Việc giải quyết nguồn lây và bảo vệ người khỏi bị lây bệnh là hai mặt chính trong công tác phòng bệnh lao.

GIẢI QUYẾT NGUỒN LÂY

-Cần phải sàng lọc, phát hiện sớm người bệnh mắc bệnh lao tại các cơ sở khám bệnh, đặc biệt là tại cộng đồng, sau đó lập kế hoạch điều trị và cách ly hợp lý người bệnh này (hiện nay các nước trên thế giới đã điều trị khỏi hoàn toàn căn bệnh này)

-Đảm bảo tốt công tác vệ sinh môi trường, đặc biệt là môi trường bệnh viện, y tế nói riêng.

BẢO VỆ CƠ THỂ KHỎI BỊ LÂY

  • Chủ động tiêm phòng lao bằng vaccin BCG

Nguyên lý: Dựa vào hiện tượng Koch (1918) những cơ thể đã nhiễm lao thì hình thành đáp ứng miễn dịch chống vi khuẩn lao. Đáp ứng miễn dịch này giúp cho cơ thể khu trú và tiêu diệt được vi khuẩn lao, không cho lan tràn khi xâm nhập vào cơ thể lần thứ hai.

Bản chất: Năm 1908 hai nhà bác học người Pháp là Calmett và Guerin đã lấy một chủng vi khuẩn lao Bò chứa nhiều độc lực, nuôi cấy sau 231 lần chuyển môi trường trong vòng 13 năm, các tác giả đã tạo ra một chủng vi khuẩn lao có khả năng tạo nên miễn dịch và dị ứng nhưng không gây độc cho cơ thể. Chủng vi khuẩn này gọi BCG (Bacillus Calmett Guerin). Vaccin BCG được sử dụng để phòng bệnh lao cho người kể từ năm 1921.

Chỉ định dùng vaccin BCG: 

Người chưa nhiễm lao khi làm phản ứng Mantoux sẽ âm tính.

Việt Nam hiện nay tiêm chủng tập chung chủ yếu ở trẻ sơ sinh và tiêm vét ở trẻ dưới một tuổi. Đối với trẻ đã nhiễm HIV nhưng chưa có triệu chứng lâm sàng, sống ở nơi có nguy cơ mắc lao cao cần tiêm vaccin BCG ngay lúc mới sinh hoặc càng sớm càng tốt. Khả năng bảo vệ của BCG giảm dần theo thời gian, vì vậy nếu có điều kiện thì tiêm nhắc lại

Chống chỉ định: 

Không có chống chỉ định tuyệt đối, chống chỉ định tương đối trong những trường hợp:

Trẻ đẻ non, thiếu tháng.

Đang nhiễm khuẩn cấp.

Sau một bệnh cấp tính. Nhiễm vi rus cúm, sởi.

Nhiễm HIV có triệu chứng lâm sàng.

Tác dụng bảo vệ của vaccin BCG: 

Tiêm vaccin BCG là một phương pháp gây miễn dịch chủ động cho cơ thể, đặc biệt với vi khuẩn lao, có tác dụng phòng bệnh lao. Đây là một trong những điểm cơ bản quan trọng trong Chương trình Chống lao quốc gia.

Kiểm tra khả năng miễn dịch của BCG thường sau khi tiêm 3 tháng, có thể dùng phản ứng Mantoux hoặc BCG test để kiểm tra. Nếu tiêm tốt, đúng kỹ thuật thấy 100% trẻ có sẹo. BCG có tác dụng tạo miễn dịch 10 – 15 năm.

Phản ứng bình thường tại nơi tiêm và biến chứng sau tiêm BCG:

Thông thường sau khi tiêm 1 – 2 ngày, nốt tiêm sẽ tiêu đi. Sau 3 – 4 tuần sẽ thấy một cục nhỏ nổi lên tại nơi tiêm rồi to dần, mặt da sưng đỏ, bóng. Sau 6 tuần một lỗ rò xuất hiện, tiết dịch trong 2 – 3 tuần rồi làm vẩy, ở tuần thứ 9 – 10 hình thành vòng tròn 5 – 6mm, xung quanh có quầng đỏ, sau vài tuần vẩy rụng đi dần thành sẹo tồn tại nhiều năm. Tính chất của sẹo màu trắng, có thể hơi lõm. Có thể căn cứ vết sẹo này để kiểm tra biết được trẻ đã được tiêm BCG hay chưa.

Theo một số thống kê của Viện Lao – Bệnh phổi trung ương và của Chương trình Tiêm chủng mở rộng thì có khoảng 10 – 20% trường hợp nốt loét có thể to hơn (đường kính 5 – 8mm), làm mủ và kéo dài 3 – 4 tháng. Trong một số trường hợp nốt loét kéo dài trên 4 tháng mới đóng vẩy và biến thành sẹo, có thể dùng dung dịch isoniazid 1% hoặc bột isoniazid rắc tại chỗ những trường hợp này.

Phong_benh_lao_1

Viêm hạch sau khi tiêm BCG cũng là hiện tượng đáng lưu ý, qua các thống kê người ta cho rằng có khoảng 1% trường hợp sau khi tiêm BCG có thể thấy nổi hạch trong vòng 6 tháng đầu. Hạch có thể nhỏ, đường kính 0,5cm, có thể 1 –2 cm, hạch thường nổi lên từ tuần thứ 3 – 4, to dần lên trong vòng 2 – 3 tuần, tồn tại có khi đến 3 tháng mới dần thu nhỏ lại; hạch thường cứng di động trong khu vực gần nơi tiêm (nách hoặc trên xương đòn) nếu tiêm cao. Đây chỉ là một biến chứng của tiêm phòng, không phải là lao hạch và cũng không ảnh hưởng gì đến sức khoẻ. Xử trí những trường hợp này, tốt nhất là không nên can thiệp, khi nơi tiêm làm mủ, nếu thấy có khả năng bị rò để tránh kéo dài và sẹo xấu có thể chọc hạch bằng kim hoặc chích và rửa sạch, rắc bột isoniazid tại chỗ.

Phong_benh_lao_2

Nhiễm khuẩn bệnh do vi khuẩn dùng để sản xuất vaccin BCG rất hiếm 0,1/100.000 trẻ, ở Việt Nam tỷ lệ này không có. Viêm xương (viêm tuỷ xương) hiếm gặp từ 0,1- 30/100.000 trẻ.

  • Hóa dự phòng 

Dự phòng trước khi bị nhiễm lao: Đối tượng là những người tiếp xúc với nguồn lây trực tiếp, thường xuyên. Cơ thể dễ có nguy cơ bị nhiễm lao, kể cả người nhiễm HIV.

  • Các biện pháp khác 

Bệnh lao là một bệnh xã hội. Cuộc sống, sinh hoạt của người bệnh liên quan mật thiết với tình hình bệnh lao. Bệnh lao tăng lên ở những nước, những vùng có điều kiện kinh tế thấp kém và sự hiểu biết bệnh lao quá ít. Đói nghèo, suy dinh dưỡng là điều kiện thuận lợi làm gia tăng bệnh lao vì vậy việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân là làm giảm nguy cơ bị bệnh lao. Cần cải thiện điều kiện sống, sinh hoạt, làm việc và làm trong sạch môi trường sống để làm giảm nguy cơ mắc bệnh.

Các tin liên quan