Nguy cơ tai biến mạch máu não ra sao khi thời tiết chênh lệch khoảng 5 độ trong ngày?

08/02/2018 Lúc 9:49sáng Người đăng: JK Nguyễn

Đột quỵ não thường xảy ra “bất ngờ” và để lại hậu quả vô cùng nặng nề. Có đến 90% bệnh nhân phải gánh chịu các di chứng sau cơn đột quỵ như liệt nửa người, thậm chí có thể gây tử vong,…

dot-quy-1-1125

Theo Ths.BS Tạ Xuân Trường – Phó trưởng Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Nông Nghiệp phân tích: “Đột quỵ não (tai biến mạch máu não) là bệnh lý hệ thần kinh phổ biến hiện nay đặc trưng bởi hiện tượng máu lên não bị gián đoạn đột ngột với hai dạng chính là nhồi máu não (tắc mạch) và xuất huyết não (vỡ mạch).

Đột quỵ não thường xảy ra “bất ngờ” và để lại hậu quả vô cùng nặng nề. Có đến 90% bệnh nhân phải gánh chịu các di chứng sau cơn đột quỵ như liệt nửa người, thậm chí có thể gây tử vong.

Đặc biệt, trong thời gian gần đây, tại khoa tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân tai biến mạch máu não, và nhồi máu cơ tim. Hơn thế nữa, đối tượng mắc các chứng bệnh về tim mạch đang có dấu hiệu trẻ hóa dần”.

Lý giải về tình trạng này, bác sĩ Trường cho rằng, đột quỵ não thường khởi phát bởi các yếu tố “quen mặt” như tuổi tác, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, xơ vữa động mạch, đái tháo đường.

Một trong số những yếu tố gây nên đột quỵ ở những người trẻ tuổi thường do một trong số những nguyên nhân dưới đây:

Áp lực công việc

Theo bác sĩ Trường, thời điểm gần Tết khối lượng công việc cần xử lý nhiều hơn, như vậy cơ thể sẽ dễ bị stress. Khi bị stress, bản thân cơ thể sẽ tiết ra những chất hormone không hề có lợi cho tim mạch.

Những loại hormone đó khiến mạch co, tăng nhịp tim và huyết áp tăng lên đây chính là nguyên nhân khởi phát dẫn đến đột quỵ não hay nhồi máu cơ tim.

Thay đổi nhiệt độ đột ngột

Khi trời lạnh, thay đổi nhiệt độ đột ngột đây cũng là yếu tố gây stress cho cơ thể. Và lúc đó cũng giống như stress do công việc, cơ thể lúc này cũng sản xuất ra những loại hormone có hại cho tim mạch, làm tăng nguy cơ mắc đột quỵ và nhồi máu cơ tim.

“Theo một số nghiên cứu tại Mỹ, khi nhiệt độ chênh lệch khoảng 5 độ trong ngày thì sẽ làm gia tăng khoảng 6% nguy cơ tai biến”, bác sĩ Trường cho biết.

Mất ngủ

Trước đây, mất ngủ thường gặp ở người trên độ tuổi 60 nhưng hiện nay lượng bệnh nhân dưới 40 tuổi ngày càng nhiều dưới áp lực của công việc, kinh tế, gia đình…

Mất ngủ kéo dài trên một tháng với tần suất ba lần một tuần trở thành mãn tính, rất khó điều trị và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thông qua bệnh lý cơ thể như tăng huyết áp, béo phì, rối loạn mỡ máu, xơ vữa mạch máu… đây đều là yếu tố nguy cơ cao gây đột quỵ.

Theo một số nghiên cứu thì những người ngủ ít hơn 5 giờ mỗi đêm có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn người ngủ đủ (7 – 8 giờ) đến 83%.

Lối sống ít vận động, lạm dụng bia rượu, thuốc lá, chất kích thích

Cuốn theo công việc, cuộc sống và các mối bận tâm khác là lý do khiến nhiều người trẻ bỏ quên vận động.

Bên cạnh đó, những ảnh hưởng tiêu cực từ lối sống như lạm dụng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích làm tăng huyết áp, biến chứng thần kinh trung ương, tạo tiền đề xơ vữa động mạch dễ gây thiếu máu cục bộ khiến đột quỵ.

Đáng lưu ý, tình trạng xơ vữa mạch sẽ xuất hiện rất sớm trước các tác động liên tục từ lối sống.

dsc02950-1126BS Tạ Xuân Trường đang khám, kiểm tra cho một bệnh nhân bị tai biến.

Dấu hiệu nhận biết đối với người bị đột quỵ

Đột quỵ não thường xảy ra “bất ngờ”, tuy nhiên có một số dấu hiệu người xung quanh có thể nhận biết để đưa người bệnh đi cấp cứu kịp thời.

Theo bác sĩ Trường: “Dấu hiệu nhận biết đột quỵ thường gắn tới từ “FAST”.

F: Face (khuôn mặt). Yêu cầu bệnh nhân cười. Với người bị đột quỵ một bên mặt sẽ bị xệ xuống.

A: Arms (tay). Yêu cầu bệnh nhân giơ hai tay lên. Một bên tay có rũ xuống hoặc không thể giơ lên được.

S: Speech (lời nói). Yêu cầu bệnh nhân nói các câu đơn giản. Họ có nói lắp, nói không rõ lời, nói khó hiểu hay không.

T: Time (thời gian). Nếu bệnh nhân có các dấu hiệu trên, nhiều khả năng họ đã bị đột quỵ. Cần lập tức gọi cấp cứu.

Chữ T ở đây là thời gian (time), có ý nghĩa nhắc nhở là thời gian cấp cứu đột quỵ rất quan trọng, tính từng giây từng phút”.

Bên cạnh các dấu hiệu nêu trên, đột quỵ còn có thể biểu hiện các triệu chứng và dấu hiệu khác như yếu hoặc tê một nửa người, giảm hoặc mất thị lực, đau đầu dữ dội, đột ngột, không có nguyên nhân rõ ràng, kèm theo nôn ói, hoa mắt, chóng mặt…

“Khi thấy xuất hiện một trong số những dấu hiệu trên người nhà cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời có sự can thiệp của bác sĩ”, bác sĩ Trường nhấn mạnh.

Cũng theo bác sĩ Trường, để phòng ngừa đột quỵ tất cả mọi người cần tập trung và các nguyên nhân khởi phát để xử lý ngay từ phần gốc rễ.

“Nếu áp lực công việc, thì tôi nghĩ chúng ta cần sắp xếp lại lịch làm việc, cố gắng điều hòa công việc cho thư thái. Nếu bạn béo phì thì phải tìm cách giảm cân, nghiên cứu một chế độ ăn lành mạnh.

Đặc biệt là khi gặp thời tiết lạnh đột ngột để tránh bị stress cho cơ thể thì chúng ta phải giữ ấm cơ thể khi ra ngoài. Làm sao để mức thay đổi nhiệt độ không quá lớn và làm cho cơ thể không sản xuất ra các loại hormone có hại đó.

Hơn thế nữa, với những người mắc các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường… cũng cần chủ động kiểm soát tốt căn bệnh của mình để hạn chế các yếu tố nguy cơ”, bác sĩ Trường cho biết.

Nguồn tin: Ngọc Nga –  Báo giadinhmoi.vn

Các tin liên quan