Người bệnh đái tháo đường ăn gì để ổn định đường huyết, tránh biến chứng?

19/04/2018 Lúc 8:09sáng Người đăng: JK Nguyễn

Đường máu hạ xuống thấp quá mức bình thường là một tình trạng cấp tính rất nguy hiểm ở người bệnh đái tháo đường. Nó có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không được xử trí kịp thời.

11

TS BS Nguyễn Trọng Hưng – Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ buổi sinh hoạt của CLB tăng huyết áp và đái tháo đường tại BV Đa khoa Nông nghiệp về chủ đề dinh dưỡng cho bệnh nhân tiểu đường

Để duy trì thể trạng bệnh lý ổn định, người bị bệnh đái tháo đường thường có xu hướng kiêng ăn tất cả những đồ có khả năng bổ sung đường. “Cái gì quá cũng không tốt”, TS.BS Nguyễn Trọng Hưng – Phó trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, “thiếu hụt nghiêm trọng từ ăn kiêng dẫn tới tình trạng bệnh nhân bị hạ đường huyết đột ngột”.

Khi rơi vào tình trạng này, người bệnh đái tháo đường mệt thỉu, run, tim đập nhanh, vã mồ hôi, lạnh, ẩm; lo lắng bứt rứt, chóng mặt, đau đầu; cảm giác đói cồn cào. Bên cạnh đó, người bệnh còn gặp phải tình trạng rối loạn hệ thần kinh trung ương như nhìn đôi, lú lẫn, cư xử bất thường, mất trí nhớ, mất tri giác, co giật, hôn mê…

Để giúp người bệnh đái tháo đường ổn định đường huyết, tránh gặp phải tình trạng đường máu hạ xuống quá thấp, TS.BS Nguyễn Trọng Hưng đưa ra 9 lời khuyên ăn uống với người bị đái tháo đường như sau:

  • Nên giữ ổn định số lượng glucid (chất bột đường) trong các bữa ăn phù hợp với mình, biết thay thế thức ăn giàu tinh bột.
  • Lựa chọn các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (<55%), các loại thực phẩm nguyên hạt hoặc còn nhiều chất xơ như gạo lức, gạo giã dối, bánh mì đen… Khi ăn các thực phẩm có chỉ số đường huyết trung bình (56 – 69%) hoặc có chỉ số đường huyết cao (>70%), cần phối hợp các thực phẩm có nhiều chất xơ. Các thực phẩm có nhiều chất xơ như rau, củ, mỗi ngày ăn từ 300g – 500g rau.
  • Lượng thức ăn nên rải đều trong ngày. Tránh những bữa ăn lớn, chia thành nhiều bữa nhỏ, gồm 3 bữa chính và từ 1 – 3 bữa phụ.
  • Giữ đúng giờ ăn theo lịch. Nên ăn đều đặn các bữa. Không bỏ bữa ăn ngay cả khi ốm hoặc cảm thấy mệt mỏi và không muốn ăn.
  • Tránh ăn và/hoặc uống các thực phẩm nhiều đường, đường hấp thu nhanh như đường kính, đường mật, mật ong, các loại mứt, quả chín khô, kẹo, socola, nước ngọt có ga.
  • Ăn hạn chế các thực phẩm nguồn gốc động vật có nhiều mỡ, cholesterol (thịt mỡ, mỡ, bơ, phủ tạng động vật…). Nên ăn các thực phẩm có chứa chất béo tốt cho sức khỏe như đậu phụ, vừng lạc, cá… Ăn dầu thực vật thay cho mỡ động vật và ở dạng trộn salad. Hạn chế các món xào nhiều dầu hoặc mỡ, các món rán, nướng…
  • Cố gắng ăn giảm lượng muối, gia vị chứa muối đến mức có thể chấp nhận, đặc biệt khi bị tăng huyết áp.
  • Cố gắng hạn chế sử dụng các thức uống có cồn như rượu, bia.
  • Nên duy trì cân nặng “nên có”.

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp đã tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ Tăng huyết áp và Đái tháo đường với chuyên đề “Một số chỉ số quan trọng cần đạt ở bệnh nhân Tăng huyết áp, Đái thái đường và Dinh dưỡng cho bệnh nhân Đái tháo đường”.

Tại buổi sinh hoạt cho các bệnh nhân trong câu lạc bộ, PGS.TS Hà Hữu Tùng cũng gửi tặng các bệnh nhân 6 lời khuyên về chăm sóc sức khỏe bao gồm:

1. Dinh dưỡng hợp lý – Đảm bảo vệ sinh

2. Hãy hoạt động thể lực nếu có thể – Thực hành tình dục an toàn

3. Tham gia Giao thông có ý thức – Đúng luật

4. Không hút thuốc lá – Sử dụng rượu, bia hợp lý – Kiểm soát stress

5. Khám sức khỏe định kỳ – Tiêm phòng bệnh – Lập Hồ sơ SK cá nhân

6. Gặp Bác sĩ của bạn ngay nếu có vấn đề về sức khỏe

                                                                Nguồn tin: Ly Linh/GIADINHMOI.VN

Các tin liên quan