Dinh dưỡng cho người bệnh tăng huyết áp

04/05/2022 Lúc 9:44sáng Người đăng: Phạm Thị Thu Hà

Tăng huyết áp (THA) là khi huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa, số trên) ≥140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu, số dưới) ≥ 90mmHg.

Tăng huyết áp thường diễn biến âm thầm và không có biểu hiện gì nhưng lại gây biến chứng nguy hiểm có thể dẫn đến tàn phế hoặc tử vong. Vì vậy THA được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”. Các biến chứng có thể kể đến như: tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, giảm thị lực, nhìn mờ, suy thận…

Các yếu tố nguy cơ của THA:

+ Ăn mặn

+ Hút thuốc lá, thuốc lào

+ Uống nhiều rượu bia

+ Ít vận động thể lực

+ Căng thẳng lo âu quá mức

+ Thể trạng thừa cân, béo phì; mắc các bệnh rối loạn mỡ máu, Đái tháo đường, bệnh lý về thận.

+ Người càng lớn tuổi, người có tiền sử gia đình có người mắc thì nguy cơ mắc THA càng cao hơn.

– Điều trị THA:

+ Điều trị THA cần liên tục và lâu dài

+ Cần phối hợp chặt chẽ giữa việc điều chỉnh lối sống, dinh dưỡng hợp lý và dùng thuốc theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Vai trò của dinh dưỡng trong điều trị THA

– Làm hạn chế tăng huyết áp, duy trì được huyết áp mục tiêu và giúp làm ổn định huyết áp (huyết áp mục tiêu cần đạt là < 130/80 mmHg và người bệnh vẫn dung nạp được theo quy định của Hội Tim mạch Việt Nam).

– Giảm tối đa nguy cơ tim mạch như: nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não…

1

Nguyên tắc dinh dưỡng trong điều trị THA

 Chế độ ăn cung cấp đủ năng lượng, các vitamin và khoáng chất, ít natri (ăn nhạt), giàu kali, giàu chất xơ, giảm lượng acid béo bão hòa và tổng lượng chất béo. Khuyến khích áp dụng chế độ dinh dưỡng giúp kiểm soát tăng huyết áp (DASH diet) là chế độ ăn  khuyến khích nhiều rau xanh, quả chín, các sản phẩm sữa ít béo.

Lựa chọn thực phẩm cho người bệnh THA

– Khuyến khích ăn nhóm thực phẩm giàu chất xơ: gạo lứt, gạo lật ăn nhiều rau xanh, quả chín.

– Nên ăn quả chín dạng miếng/múi, không ép/xay hay vắt lấy nước để tăng cường chất xơ.

– Nên ăn các loại thực phẩm nhiều acid béo omega 3: cá hồi, cá thu…

– Giảm gia vị và các thực phẩm mặn bằng cách:

+ Giảm dần lượng muối và gia vị chứa nhiều muối

+ Bỏ thói quen chấm ngập thức ăn vào nước chấm, gia vị

+ Hạn chế các thức ăn chế biến sẵn chứa nhiều muối như: dưa cà muối, mỳ ăn liền, giò chả, xúc xích, các món kho, rim, muối, các loại nước sốt, nước chấm mặn…

– Hạn chế ăn các thực phẩm có chứa nhiều chất béo bão hoà ( bơ, mỡ dộng vật…), ăn tăng cường cá, giảm tần suất ăn thịt đỏ.

– Hạn chế xào rán, tăng cường tần suất các món luộc, hấp.

– Uống đủ nước: từ 2-2,5l/ngày (bao gồm nước lọc, canh, nước trái cây…)

– Không uống các loại đồ uống có cồn: bia, rượu…, không uống các loại nước chè đặc, cà phê, thực phẩm cay nóng.

– Không hút thuốc lá, thuốc lào.

 Tuy rằng, tăng huyết áp không thể chữa khỏi hoàn toàn tuy nhiên việc sử dụng thuốc theo hướng dẫn hàng ngày, có một lối sống lành mạnh, một chế độ dinh dưỡng khoa học hợp lý và tập thể dục đều đặn mỗi ngày có thể hạn chế được các biến chứng của tăng huyết áp gây ra.

                                                   Nguồn: Đinh Ngân – Khoa Dinh dưỡng Tiết chế

                                                                     

Các tin liên quan