Trước đó, chiều tối ngày 18/6/2018, Khoa Ngoại Chấn Thương, BVĐK Nông nghiệp tiếp nhận bệnh nhân N.X.V, 53 tuổi (Thanh Oai, Hà Nội) bị tai nạn lao động mảnh kính vỡ cắt vào cổ tay trái. Gia đình đã đưa bệnh nhân sơ cứu băng vết thương tại Bệnh viện Huyện Thanh Oai, sau đó được chuyển về BVĐK Nông nghiệp.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tỉnh, đau nhiều, da niêm mạc nhợt. Qua thăm khám và chẩn đoán đây là vết thương phức tạp cổ tay trái, đứt bó mạch thần kinh trụ, đứt thần kinh giữa và nhiều gân gấp bàn ngón tay, cẳng tay .
Ngay lập tức, kíp phẫu thuật được triển khai bao gồm BSCKII.TTƯT Nguyễn Tiến Văn, BS. Nguyễn Minh Thành, BS Đỗ Đức Kiểm và kíp gây mê.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật nối vi phẫu cho bệnh nhân
Sau gần 4h làm việc liên tục với kỹ thuật vi phẫu nối động mạch trụ theo phương pháp Cortbett, nối thần kinh trụ, thần kinh giữa theo phương pháp Bao ngoài – Bao sợi. Khâu nối các gân gấp ngón sâu ngón 4,5; gân gấp nông ngón 2,3,4; gân gấp cổ tay trụ; gân gan tay dài theo phương pháp Modifiel Kesles. Nẹp bột cố định cẳng tay theo tư thế gấp.
10 ngày sau mổ thì vết mổ khô, phục hồi tuần hoàn ngoại vi chỗ nối tốt, vận động và cảm giác tốt, dự kiến sau 2 tuần bệnh nhân có thể cắt chỉ, ra viện.
Bàn tay của bệnh nhân có dấu hiệu hồi phục tốt
Trước đó ngày 9/6/2018, Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp cũng tiếp nhận 1 bệnh nhân bị tai nạn lao động máy cắt vào cổ chân phải, chưa được sơ cứu gì trước khi nhập viện. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tỉnh, đau nhiều, da niêm mạc nhợt. Sau khi được thăm khám, chẩn đoán là vết thương phức tạp cổ chân phải, đứt bó mạch thần kinh ống gót. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật vi phẫu.
Kíp phẫu thuật gồm ThS. Vũ Đức Tâm – ThS. Nguyễn Mạnh Tiến, BS Đoàn Văn Toàn và kíp gây mê. Hiện tại thì vết mổ của bệnh nhân khô, phục hồi tuần hoàn ngoại vi chỗ nối tốt.
Hình ảnh bó mạch thần kinh ống gót đã được khâu nối vi phẫu
BS. Nguyễn Văn Thưởng – Khoa Ngoại Chấn thương, BVĐK Nông nghiệp khuyến cáo: Vết thương mạch máu, thần kinh thường xảy ở nam giới, trong độ tuổi lao động. Đây là một cấp cứu ngoại khoa, nguyên nhân hàng đầu làm giảm khối lượng tuần hoàn, đe dọa tính mạng người bệnh hoặc để lại các di chứng nặng nề như cắt cụt chi…
Chính vì thế việc sơ cứu ban đầu rất quan trọng, cách nhanh nhất và đơn giản nhất là lấy khăn, mảnh vải sạch băng ép vết thương, không bôi, đắp bất cứ chất gì vào vết thương. Thực tế các bác sĩ đã gặp không ít trường hợp người nhà lo lắng quá đổ dầu hỏa, muối… vào vế thương để hy vọng cầm máu gây cản trở đến quá trình điều trị.
Sau khi sơ cứu xong cần nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế có khả năng phẫu thuật vi phẫu.
Nguồn tin: Phạm Hiệp – báo suckhoedoisong.vn