Cảnh giác với bệnh nấm thanh quản

16/07/2018 Lúc 1:59chiều Người đăng: JK Nguyễn

Nấm thanh quản là một hình thái viêm thanh quản đặc hiệu do các vi nấm gây ra. Thông thường có bốn loại nấm có thể gây bệnh ở thanh quản là: Aspergillus, Candida, Histoplasma Blastomyces. Tại Việt Nam, với thời tiết nóng ẩm, môi trường sinh hoạt và điều kiện vệ sinh chưa cao nên bệnh nấm thanh quản dễ phát triển và thông thường chỉ gặp hai loại nấm gây bệnh ở thanh quản là: AspergillusCandida.

Nguyên nhân thường gặp của bệnh nấm thanh quản do sự kết hợp của hai điều kiện đó là loài nấm cộng sinh từ niêm mạc họng miệng, khi gặp yếu tố thuận lợi nấm trở nên gây bênh như nấm Candida, yếu tố thứ hai là sự thâm nhập từ môi trường không khí, đất…vào cơ thể qua đường hô hấp như nấm Aspergillus. Những yếu tố thuận lợi cũng góp phần bệnh nấm thanh quản phát triển như: Mất cân bằng sinh thái, chuyển dịch vùng khí hậu, suy thoái môi trường, thiên tai, lụt lội. Ngoài ra còn yếu tố suy giảm miễn dịch của con người như điều trị kháng sinh kéo dài, dùng thuốc corticoid kéo dài, mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, HIV/AIDS, ung thư, lao…

          Triệu chứng của bệnh:

Các triệu chứng cơ năng của viêm thanh quản do nấm th­ường nghèo nàn, không đặc hiệu nên dễ nhầm với các bệnh khác của thanh quản.

  • Khàn tiếng: là triệu chứng dễ nhận biết và quan trọng nhất. Khàn tiếng bắt đầu từ nhẹ tăng dần đến mất tiếng khi phát âm chỉ nghe thấy thều thào, nghe không rõ âm sắc.

Thời gian xuất hiện từ khi khàn tiếng đến khi mất tiếng th­ường từ 1 đến 3  tuần, có khi vài tháng.

  • Ho: Th­ường ho thành từng cơn dài do ngứa họng, ho khan ít khi có đờm, ho cũng tăng lên theo thời gian bị bệnh làm cho bệnh nhân mệt mỏi nhiều.
  • Ngứa họng: Th­ường có cảm giác ngứa sâu trong họng làm cho bệnh nhân ho và cảm giác khó chịu.
  • Khó thở thanh quản: Rất hiếm gặp do màng giả dày, xốp lan rộng ở thanh quản, kèm theo hiện t­ượng viêm xung huyết và phù nề làm cho khẩu kính thanh quản bị hẹp lại, gây cản trở hô hấp.

Triệu chứng toàn thân: Thể trạng chung không thay đổi nhiều, sốt hiếm gặp. Nhìn chung các dấu hiệu cơ năng thường nghèo nàn, không đặc hiệu nên  phải dựa vào khám lâm sàng để định h­ướng cho chẩn đoán.

Khám thanh quản thấy các đám trắng như giả mạc phủ lên dây thanh âm, băng thanh thất, hạ thanh môn, tiền đình thanh quản và đôi khi giả mạc lan lên hạ họng.

h1Hình 1: Hình ảnh màng giả mịn, mượt  khu trú  dọc theo mặt trên  dây thanh (do Candida)

h2

Hình 2: Hình ảnh màng giả dày, xốp phủ ở dây thanh và thanh thất Morgagni, cản trở sự tiếp xúc của dây thanh 2 bên khi phát âm (do nấm Aspergillus)

Chẩn đoán xác định bằng cách lấy mảng giả mạc ở thanh quản đem soi tươi và nuôi cấy tìm nấm và loại nấm gây bệnh cụ thể. Xét nghiệm thường phải tiến hành nhiều lần. Chẩn đoán huyết thanh thực hiện các xét nghiệm dịch thể để phát hiện kháng thể kháng nấm trong máu người bệnh. Loại xét nghiệm này cho kết quả nhanh nhưng không có tính xác định cao. Chẩn đoán mô bệnh học được xem là xét nghiệm cơ bản vì có độ chính xác tuyệt đối, bệnh phẩm lấy từ phần tổ chức bị bệnh có thể tìm thấy sợi nấm hay bào tử nấm.

Điều trị:

  • Điều trị nội khoa là chính để làm mất môi trường sinh sống thuận lợi của nấm.
  • Kháng sinh kháng nấm tại chỗ hoặc toàn thân: Amphotericin , Miconazol hay Ketoconazol, fluconazol, nystatin, flucytocin…
  • Điều trị giảm viêm, chống phù nề với các thuốc chống viêm không steroid như Amitase, Sinsia, a- chymotrypsin.
  • Nâng cao thể trạng bằng các vitamin nhóm B, C
  • Điều trị ngoại khoa kết hợp nội khoa. Soi treo bóc tách nấm ở niêm mạc thanh quản để giảm bớt tác nhân gây bệnh và đảm bảo chức năng nói và thở cho bệnh nhân. Ngoài ra đây là phẫu thuật quan trọng nhằm lấy được bệnh phẩm làm các xét nghiệm để chẩn đoán xác định
  • h3Hình 3: Hình ảnh vi phẫu thanh quản bóc tách nấm tại khoa Tai Mũi Họng- Bệnh viện ĐK Nông nghiệp (Ths- Bs. Hà Ngọc Hưng- nguồn)

    Theo Trưởng khoa TMH- BV ĐK Nông Nghiệp, Bs CKII Đỗ Thế Hùng, để phòng và điều trị bệnh nấm thanh quản, chúng ta cần phải chú ý các biện pháp sau:

    • Bảo vệ mũi họng và đường hô hấp ở những nơi môi trường bụi, ẩm bằng khẩu trang.
    • Thường xuyên luyện tập để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
    • Vệ sinh mũi họng bằng các dung dịch kiềm nhẹ.
    • Khám và điều trị ngay khi có biểu hiện khàn tiếng kéo dài trên 1tuần.
    • Nguồn tin: Khoa TMH

Các tin liên quan