CẨM NANG PHÒNG TRÁNH MỘT SỐ BỆNH TRUYỀN NHIỄM HIỆU QUẢ (PHẦN CUỐI)

02/07/2018 Lúc 3:20sáng Người đăng: admin

CẨM NANG PHÒNG TRÁNH MỘT SỐ BỆNH TRUYỀN NHIỄM HIỆU QUẢ

TTND.PGS.TS.BSCKI.Hà Hữu Tùng

     Bệnh truyền nhiễm là bệnh có khả năng lây truyền từ người này sang người khác, gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe con người và kinh tế cộng đồng. Phương thức lây truyền bằng nhiều con đường khác nhau. Tùy theo từng bệnh mà các con đường lây lan sẽ có sự khác nhau, có bệnh chỉ có 1 đường lây nhiễm còn có bệnh thì có nhiều cách lây lan, trực tiếp hay gián tiếp (như thức ăn, đường hô hấp, dùng chung đồ dùng, máu, da, niêm mạc…) và có khả năng phát triển thành dịch.

Theo phương thức lây truyền thì các bệnh truyền nhiễm gồm 4 nhóm:

  • Các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa.
  • Các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
  • Các bệnh lây truyền qua đường máu.
  • Các bệnh lây truyền qua đường da và niêm mạc.

     Bệnh truyền nhiễm thường phát triển có tính chất chu kỳ, bao gồm các giai đoạn phát triển của bệnh như thời kỳ ủ bệnh, thời kỳ khởi phát, thời kỳ toàn phát, thời kỳ suy yếu và thời kỳ tái phát.

     Để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm chúng ta có nhiều phương pháp khác nhau như: quản lý và xử lý tốt nguồn phát sinh mầm bệnh, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, vệ sinh – an toàn thực phẩm, tăng cường dinh dưỡng – nâng cao thể trạng… Đặc biệt y học hiện đại đã sử dụng biện pháp tạo miễn dịch chủ động cho cá nhân mỗi con người bằng cách sử dụng các loại vắc xin (tiêm hoặc uống) kích thích cơ thể sản xuất ra kháng thể để kháng bệnh đặc hiệu khi gặp mầm bệnh đó.

     Đến nay đã có trên 20 bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh rất hiệu quả, làm giảm đáng kể dịch bệnh, giảm tỷ lệ bệnh tật, giảm tỷ lệ tử vong và di chứng, thậm chí nhiều mặt bệnh đã được thanh toán như bại liệt, uốn ván rốn sơ sinh… Sau đây chúng ta cùng tìm hiểu về một số bệnh và cách sử dụng vắc xin có hiệu quả.

11.    BỆNH CÚM MÙA

     Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch …, bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.

CNVACXIN13

     Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao từ người bệnh sang người lành, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc.

     Vắc xin cúm chứa các vi rút cúm không còn khả năng gây bệnh. Khả năng bảo vệ sau khi tiêm ngừa đạt khoảng 96-97%. Sau khi tiêm khoảng hai tuần thì vắc xin có hiệu quả bảo vệ. Tuy nhiên văcxin ngừa cúm hiện nay chỉ phòng được những virút cúm thông thường là cúm A/H3N2, cúm A/H1N1 và một type cúm B.

     Thời điểm tiêm phòng cúm thích hợp nhất là trước khi vào mùa có dịch cúm xảy ra (mùa cúm thường bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau). Do đó nên tiêm vào tháng 10, 11 khi vắc xin mới ngừa cúm hằng năm được các nhà sản xuất đưa ra thị trường. Nhưng nếu ai chưa tiêm vắc xin phòng chủng cúm mùa cũ thì vẫn nên tiêm. Tiêm phòng cúm cần được tiêm mỗi năm một lần do thời gian miễn dịch trung bình một năm.

Chỉ định tiêm vắc xin phòng bệnh cúm mùa: Người lớn và trẻ em trên 6 tháng tuổi, đặc biệt người già và những người có bệnh mãn tính tiềm tàng như đái tháo đường, tim mạch, thiếu máu, suyễn (hen), suy giảm miễn dịch…

Chống chỉ định: Không nên tiêm vắc xin phòng bệnh cúm mùa cho những người đã biết quá mẫn với hoạt chất của vắc xin, với bất kỳ tá dược nào, với trứng, với thịt gà.

Tác dụng phụ:

  – Các dấu hiệu tại chỗ (đau, đỏ, sưng) và các biểu hiện toàn thân như sốt nhẹ, mệt mỏi và sẽ tự mất đi.

  – Hiếm có báo cáo về phản ứng dị ứng ở những người có tiền sử dị ứng với một thành phần của vắc xin.

  – Hiếm có báo cáo về rối loạn về hệ thần kinh như viêm não tủy, viêm thần kinh và hội chứng Guillain-Barré.

12.    BỆNH VIÊM GAN A

     Viêm gan A (Hepatitis A) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính tại gan, gây ra bởi virus viêm gan A (hepatitis A virus).

CNVACXIN14

     Bệnh viêm gan siêu vi A lây truyền từ người này sang người khác qua đường tiêu hóa, do ăn uống thức ăn, nguồn nước, tiếp xúc với các đồ vật có nhiễm phân của người bệnh dù là với lượng rất nhỏ. Bệnh có thể diễn tiến từ nhẹ đến nặng, từ vài tuần đến vài tháng, gây suy giảm chức năng gan.

Những đối tượng nên tiêm phòng vắc xin viêm gan A:

  – Mọi đối tượng người lớn và trẻ em từ 24 tháng tuổi trở lên.

  – Những người có nguy cơ phơi nhiễm với vi rút viêm gan A:

    + Những người chưa tiêm vaccine viêm gan A và có dự định đi du lịch đến những vùng đang lưu hành dịch (những vùng thường có viêm gan A).

    + Các đối tượng vì nghề nghiệp có nguy cơ phơi nhiễm: hộ lý, y tá, cán bộ công nhân viên chức làm công tác nghiên cứu liên quan đến virut viêm gan A, làm việc trong lĩnh vực chăm sóc phục vụ trẻ e tàn tật, nhân viên xử lý nước thải và thực phẩm công nghiệp.

  – Những người đặc biệt có nguy cơ cao (bệnh nhân ưa chảy máu, truyền dịch nhiều lần, người hay phải tiêm tĩnh mạch, truyền máu, đồng tính…)

Chống chỉ định:

  – Không tiêm vắc xin cho những người quá nhạy cảm với bất cứ thành phần nào của vắc xin.

  – Mệt mỏi, sốt cao hoặc phản ứng toàn thân với bệnh nhiễm trùng đang tiến triển.

  – Bệnh tim, bệnh thận và bệnh gan.

  – Bệnh tiểu đường hoặc suy dinh dưỡng.

  – Bệnh ung thư máu nói riêng và các bệnh ác tính nói chung.

  – Bệnh quá mẫn.

  – Phụ nữ đang cho con bú.

  – Khuyến cáo không tiêm cho phụ nữ đang mang thai.

Lịch tiêm: Lịch tiêm cơ bản gồm 2 liều tiêm:

  – Mũi 1: lần đến tiêm đầu tiên

  – Mũi 2: cách mũi thứ nhất từ 6-12 tháng.

Tác dụng phụ:

  – Những phản ứng thương gặp là đau, sưng và ban đỏ tại chỗ tiêm. Những phản ứng này thường nhẹ và sẽ hết trong vòng 2 ngày sau tiêm.

  – Những phản ứng toàn thân ít gặp như sốt, đau đầu, buồn nôn, chóng mặt và mệt mỏi cũng có thể xảy ra ở một vài người sau tiêm.

13.    ROTA VIRUT (BỆNH VIÊM DẠ DÀY RUỘT DO VI RÚT ROTA)

     Tiêu chảy cấp do vi rút Rota là bệnh cấp tính do vi rút gây nên; Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ với các triệu chứng nôn ói, tiêu chảy, đau bụng, mất nước dễ dẫn đến trụy mạch và tử vong nếu không điều trị kịp thời. Bệnh xảy ra ở khắp mọi nơi.

CNVACXIN15

     Phương thức lây truyền qua đường tiêu hóa là chính (phân – miệng)

     Việc sử dụng các loại vắc xin phòng bệnh do vi rút Rota là một phần của chiến lược toàn diện để kiểm soát bệnh tiêu chảy cùng với việc khuyến khích bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bổ sung vitamin A, nước uống sạch, vệ sinh, rửa tay bằng xà phòng) và điều trị (ORS, kẽm và dinh dưỡng).

     Các vắc xin phòng bệnh do Rotavirus có chứa một hoặc nhiều chủng vi rút sống giảm độc lực. Uống vắc xin rotavirus để bảo vệ chống lại viêm dạ dày ruột do vi rút rota. Vắc xin không thể bảo vệ chống lại các nguyên nhân khác gây tiêu chảy, vì vậy giáo dục sức khỏe là rất quan trọng.

     Hai loại vắc xin rotavirus đường uống đang sử dụng hiện nay là RotarixTM và RotaTeq®.

14. BỆNH VIÊM MÀNG NÃO DO NÃO MÔ CẦU

     Bệnh viêm màng não do não mô cầu tên là Neisseria meningitidis. Dựa vào những kháng nguyên polyozit, người ta chia vi khuẩn não mô cầu thành 4 nhóm chính là A, B, C và D. Não mô cầu nhóm A, B và C thường hay gặp nhất.) là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính xảy ra đột ngột với các triệu chứng sốt, đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, cổ cứng, thường có ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước. Bệnh nhân thường lơ mơ hoặc hôn mê. Có trường hợp biểu hiện mệt lả đột ngột, xuất hiện mảng xuất huyết và sốc.

CNVACXIN16

      Phương thức lây bệnh thông qua đường hô hấp. Bệnh có thể phòng được bằng tiêm phòng vắc xin.

     Có 2 loại vắc xin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu: Vắc xin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu tuýp A+C (Vắc xin Polysaccharide Meningococcal A+C) và vắc xin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu tuýp B+C (Vắc xin VA-Mengoc-BC).

     Việt Nam nguy hiểm nhất là các chủng A, B, C. Do đó, chúng ta cần tiêm ngừa cả 2 vắc xin phòng viêm não mô cầu AC và BC (nếu chỉ tiêm phòng viêm não mô cầu BC thì vẫn có nguy cơ nhiễm vi khuẩn não mô cầu tuýp A ngược lại nếu chỉ tiêm phòng viêm não mô cầu AC thì vẫn có nguy cơ nhiễm vi khuẩn não mô cầu tuýp B).

     Vắc-xin não mô cầu cũng gây ra một số tác dụng phụ như sốt, nổi ban đỏ hay đau, cứng vết tiêm. Thông thường, cơn sốt do tiêm vắc-xin không làm thân nhiệt bé tăng quá cao và kéo dài trong khoảng 2 ngày.

15.    BỆNH DO PHẾ CẦU (BỆNH VIÊM PHỔI, VIÊM MŨI HỌNG, VIÊM MÀNG NÃO MỦ)

     Phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae) là một loài vi khuẩn, nguyên nhân chính của viêm phổi lây nhiễm cộng đồng và viêm màng não ở trẻ em và người già, và nhiễm trùng huyết ở người nhiễm HIV. Mặc dù tên gọi là phế cầu khuẩn, loài này lại gây ra nhiều loại bệnh nhiễm trùng phế cầu khuẩn khác với viêm phổi. Các bệnh phế cầu khuẩn xâm lấn bao gồm viêm xoang cấp tính, viêm tai giữa, viêm kết mạc, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm trùng huyết, viêm tủy xương, viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm nội tâm mạc, viêm phúc mạc, viêm màng ngoài tim, viêm mô tế bào, và áp xe não.

CNVACXIN17

     Bệnh phế cầu khuẩn lây từ người sang người qua ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc gần gũi. Phế cầu được lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường hô hấp từ bệnh nhân và từ những người nhiễm phế cầu trong mũi/cổ họng. 70% người nhiễm phế cầu là người lành mang bệnh. Bệnh phế cầu khuẩn có thể được phòng bằng cách tiêm chủng.

     Để phòng các bệnh do phế cầu khuẩn gây ra, tiêm chủng là một trong những biện pháp được khuyến cáo đặc biệt đối với những đối tượng có nguy cơ cao. Một số vắc xin phòng bệnh do phế cầu khuẩn đã lưu hành tại Việt Nam như Preumo 23 (vắc xin polysacharide đơn thuần gồm 23 thành phần kháng nguyên, ký hiệu là PPV23) được khuyến cáo có thể dùng cho trẻ trên 2 tuổi và các đối tượng nguy cơ cao; Synflorix (vắc xin polysacharide cộng hợp gồm 10 thành phần kháng nguyên, ký hiệu là PCV10) chỉ định tiêm cho trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi.

     Vắc xin phế cầu là loại vắc xin chống lại vi khuẩn Streptococcus pneumoniae. Có 2 loại vacxin phế cầu khuẩn : vắc xin liên hợp và vắc xin polysaccharide: Vắc xin Synflorix và vắc xin Pneumo 23. Vắc xin liên hợp được khuyến cáo là nên dùng cho tất cả trẻ em, kể cả trẻ bị nhiễm HIV/AIDS. Còn vắc xin polysaccharide thì chỉ hiệu quả với người lớn khỏe mạnh; không quá hiệu quả với trẻ em dưới 2 tuổi và người có hệ miễn dịch yếu.

     Các loại vắc xin nhìn chung là an toàn, nó có thể gây ra các tác dụng phụ song thường là nhẹ; và nó sẽ giúp ngăn ngừa nhiễm các bệnh nghiêm trọng.

16.    UNG THƯ CỔ TỬ CUNG

Có thể kể đến các nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung như:

      Lây nhiễm virut HPV

     Khi nhắc đến virut HPV người ta thường nghĩ ngay đến bệnh sùi mào gà. Tuy nhiên, virut HPV có khoảng 100 chủng loại khác nhau, trong đó có khoảng 40 loại gây bệnh ở vùng sinh dục, hậu môn và 15 loại được liệt vào loại đặc biệt nguy hiểm, có nguy cơ cao gây ra ung thư. Đặc biệt là HPV chủng 16, 18 được  biết đến là virut có nguy cơ gây ung thư cổ tử cung cao nhất. Tuy vậy, 11 chủng virut HPV khác cũng có khả năng cao gây ra ung thư cổ tử cung.

CNVACXIN18

      Quan hệ tình dục quá sớm

      Virut HPV lây nhiễm chủ yếu qua đường tình dục không an toàn. Do đó, quan hệ tình dục quá sớm hoặc quan hệ với nhiều không chỉ làm tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh xã hội mà còn làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung

      Sinh con quá sớm dưới 17 tuổi

     Khi sinh con ở độ tuổi này do cơ quan sinh dục chưa hoàn thiện cộng thêm sự thiếu hiểu biết về kiến thức vệ sinh bộ phận sinh dục đúng cách dẫn đến nữ giới dễ mắc phải các bệnh liên quan đến bộ phận sinh dục và đó chính là tác nhân để phát triển ung thư sau này.

     Người có hệ miễn dịch yếu

     Đối với những người có sức đề kháng yếu thì nguy cơ mắc phải bệnh ung thư cổ tử cung càng tăng cao do virut HPV có thể dễ dàng xâm nhập và phát triển.

     Yếu tố di truyền

     Các nghiên cứu gần đây đều chỉ ra rằng nếu trong gia đình bạn từng có người mắc bệnh ung thư cổ tử cung thì nguy cơ mắc phải bệnh này sẽ cao hơn những người khác.

     Ngoài ra, chị em có thể mắc phải bệnh ung thư cổ tử cung do nhiều nguyên nhân khác như hút thuốc lá, sử dụng các chất kích thích, lạm dụng thuốc tránh thai hoặc sinh quá nhiều con.

     Vi-rút HPV (human papilloma virus, vi-rút gây u nhú và là thủ phạm hàng đầu gây bệnh ung thư cổ tử cung ở nữ giới), có thể phòng được bằng tiêm vắc xin.

     2 loại vắc xin HPV hiện đang sử dụng hiện nay tại Việt Nam là:

  – Vắc xin CervarixTM: Bảo vệ chống lại 02 tuýp HPV (tuýp16 và 18).

  – Vắc xin Gardasil ®: Bảo vệ chống lại 04 tuýp HPV (tuýp 6, 11, 16 và 18).

      Bạn nên đi tiêm vacxin HPV để phòng ngừa bệnh ung thư cổ tử cung ở giai đoạn 9 – 26 tuổi. Tuy nhiên, bạn cũng nên hiểu rằng vacxin HPV chỉ có tác dụng ngăn ngừa tiền ung thư chứ không phải ngăn ngừa bệnh ung thư khi đã di căn. Do vậy, bạn nên tiêm vacxin HPV trước khi quan hệ tình dục để có hiệu quả ngăn ngừa bệnh tốt nhất.

     Đối với những người phụ nữ trên 40 tuổi, đã có quan hệ tình dục thì vẫn có thể tiêm vacxin HPV nhưng lúc này hiệu quả của thuốc lại không cao.

17.    BỆNH VIÊM PHỔI VÀ VIÊM MÀNG NÃO DO HiB

     Hib (Haemophilus influenzae týp b) là căn nguyên gây viêm phổi nặng, viêm màng não và các bệnh xâm lấn khác hầu như ở trẻ dưới 5 tuổi. Trẻ nhỏ bị viêm màng não do Hib có thể để lại di chứng thần kinh vĩnh viễn, tổn thương não, điếc, rối loạn tâm thần.

CNVACXIN19

     Bệnh do vi khuẩn Hib được phòng bệnh hiệu quả nhất bằng vắc xin chứa thành phần Hib, tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi hoặc trước 24 tháng tuổi. Tiêm chủng vắc xin là rất cần thiết.

     Vắc xin có chứa thành phần Hib có sẵn dạng đơn giá và dạng kết hợp. Vắc xin Hib kết hợp với DTP và vắc xin Viêm gan B, hoặc vắc xin 5 trong 1 (DTP- Viêm gan B -Hib), làm giảm số mũi tiêm cho trẻ khi tiêm chủng đầy đủ các vắc xin trong tiêm chủng được khuyến cáo.

     Vắc xin có chứa thành phần Hib dạng dung dịch hoặc bột đông khô được trình bày dạng đơn và đa liều. Vắc xin 5 trong 1 có sẵn đóng các lọ chứa 2 và 10 liều. Vắc xin 5 trong 1 với thành phần Hib đông khô cần phải pha hồi chỉnh. Vắc xin 5 trong 1 dạng dung dịch chứa thành phần DTP – Viêm gan B -Hib. Vắc xin có chứa thành phần Hib được bảo quản 2°C-8°C và không để đông băng vắc xin.

     Ngoài những bệnh đã nêu ở trên, còn có một số bệnh có thể phòng bằng vắc xin như: Vắc xin phòng bệnh dại, thương hàn, vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết đang thử nghiệm…

Chú ý: Có một số bệnh đã phối hợp vắc xin với nhau

Các loại vacxin phối hợp đang được sử dụng tại Việt Nam bao gồm:

  • Vacxin nhị liên (phòng 2 bệnh): DTvax phòng bạch hầu, uốn ván.
  • Vacxin tam liên (phòng 3 bệnh):
    • DTC (hoặc DTP) phòng bạch hầu, uốn ván, ho gà;
    • Trimovax phòng sởi, quai bị và rubella.
  • Vacxin tứ liên (phòng 4 bệnh): Tetracoq phòng bạch hầu, uốn ván, ho gà và bại liệt.

Mới đây, Bộ Y tế cho phép sử dụng tại Việt Nam 2 loại vacxin phối hợp mới:

  •  Vacxin tứ liên TetrAct-Hib: Phòng các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà và các bệnh do Haemofilius Influenza B gây ra.
  • Vacxin ngũ liên hay 5 trong 1 (phòng 5 bệnh) :

Quinvaxem của tiêm chủng mở rộng có tác dụng phòng các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và các bệnh do vi trùng Haemofilius Influenza B gây ra (viêm màng não mủ, viêm phổi, viêm thanh quản, nhiễm trùng máu… ).

Pentaxim tác dụng phòng các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt và các bệnh do vi trùng Haemofilius Influenza B gây ra (viêm màng não mủ, viêm phổi, viêm thanh quản, nhiễm trùng máu… ).

  • Vacxin 6 trong1 phòng đủ 6 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan, bệnh do vi trùng Hib(Haemofilius Influenza B). CẢM ƠN VÀ XIN Ý KIẾN ĐÓNG GÓP

Các tin liên quan