CẨM NANG PHÒNG TRÁNH MỘT SỐ BỆNH TRUYỀN NHIỄM HIỆU QUẢ (PHẦN 2)

01/07/2018 Lúc 3:55sáng Người đăng: admin

CẨM NANG PHÒNG TRÁNH MỘT SỐ BỆNH TRUYỀN NHIỄM HIỆU QUẢ

TTND.PGS.TS.BSCKI.Hà Hữu Tùng

     Bệnh truyền nhiễm là bệnh có khả năng lây truyền từ người này sang người khác, gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe con người và kinh tế cộng đồng. Phương thức lây truyền bằng nhiều con đường khác nhau. Tùy theo từng bệnh mà các con đường lây lan sẽ có sự khác nhau, có bệnh chỉ có 1 đường lây nhiễm còn có bệnh thì có nhiều cách lây lan, trực tiếp hay gián tiếp (như thức ăn, đường hô hấp, dùng chung đồ dùng, máu, da, niêm mạc…) và có khả năng phát triển thành dịch.

Theo phương thức lây truyền thì các bệnh truyền nhiễm gồm 4 nhóm:

  • Các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa.
  • Các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
  • Các bệnh lây truyền qua đường máu.
  • Các bệnh lây truyền qua đường da và niêm mạc.

     Bệnh truyền nhiễm thường phát triển có tính chất chu kỳ, bao gồm các giai đoạn phát triển của bệnh như thời kỳ ủ bệnh, thời kỳ khởi phát, thời kỳ toàn phát, thời kỳ suy yếu và thời kỳ tái phát.

     Để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm chúng ta có nhiều phương pháp khác nhau như: quản lý và xử lý tốt nguồn phát sinh mầm bệnh, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, vệ sinh – an toàn thực phẩm, tăng cường dinh dưỡng – nâng cao thể trạng… Đặc biệt y học hiện đại đã sử dụng biện pháp tạo miễn dịch chủ động cho cá nhân mỗi con người bằng cách sử dụng các loại vắc xin (tiêm hoặc uống) kích thích cơ thể sản xuất ra kháng thể để kháng bệnh đặc hiệu khi gặp mầm bệnh đó.

     Đến nay đã có trên 20 bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh rất hiệu quả, làm giảm đáng kể dịch bệnh, giảm tỷ lệ bệnh tật, giảm tỷ lệ tử vong và di chứng, thậm chí nhiều mặt bệnh đã được thanh toán như bại liệt, uốn ván rốn sơ sinh… Sau đây chúng ta cùng tìm hiểu về một số bệnh và cách sử dụng vắc xin có hiệu quả.

6.    BỆNH QUAI BỊ

     Bệnh gây bởi vi rút quai bị (Mumps virus), lây truyền trong không khí qua những giọt nước nhỏ thoát ra khi người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi, hoặc tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh.

CNVACXIN8

     Là một bệnh toàn thân biểu hiện bằng sưng một hay nhiều tuyến nước bọt, thường gặp nhất là các tuyến mang tai. Một số bệnh nhân có biểu hiện viêm màng não rõ với các triệu chứng nhức đầu, nôn mửa, cứng cổ…Viêm tinh hoàn (orchitis) là một biến chứng khá thường gặp sau tuổi dậy thì nhưng biến chứng vô sinh thì không thường gặp như nhiều người vẫn lo ngại. Các biến chứng khác hiếm gặp hơn gồm viêm khớp, viêm tuyến giáp, viêm khớp xương hàm, viêm cầu thận, viêm cơ tim, xơ hóa nội tâm mạc, giảm tiểu cầu, thất điều tiểu não, viêm tủy cắt ngang, viêm đa dây thần kinh lan lên, viêm tụy cấp, viêm buồng trứng (oophoritis), và giảm thính lực.

     Bệnh quai bị có thể phòng bằng tiêm chủng vắc xin chứa thành phần quai bị. Ở các quốc gia triển khai vắc xin phòng quai bị, vắc xin phối hợp 3 thành phần sởi (M) – quai bị (M) – rubella (R) = (MMR) thường được khuyến cáo sử dụng. Người bệnh mắc quai bị sẽ có miễn dịch suốt đời với vi rút quai bị.

Chỉ định và cách dùng: Vắc xin được chỉ định cho tiêm chủng (tiêm bắp hoặc tiêm dưới da sâu) để phòng bệnh quai bị định kỳ và khẩn cấp.

  – Tiêm chủng được định kỳ: Tiến hành tiêm 2 lần

    + Mũi 1: Tiêm khi trẻ ở các tuổi 12 -15 tháng (cùng với vắc xin sởi).

    + Mũi 2: Vào năm thứ 2 đầu đời trước thời điểm đi học cùng với vắc xin sởi.

Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm tối thiểu 1 tháng.

  – Tiêm chủng khẩn cấp được chỉ định cho trẻ từ 12 tháng tuổi, trẻ vị thành niên và người lớn nếu đã có tiếp xúc với bệnh nhân quai bị nhưng chưa có tiền sử mắc quai bị và chưa được tiêm chủng theo lịch phòng bệnh quai bị.

Chống chỉ định :

  – Sốt cao, sốt kéo dài.

  – Đang bị bệnh lao không được điều trị.

  – Các trường hợp dị ứng với các thành phần của vắc xin.

  – Bệnh bạch cầu, các u bạch huyết lympho hoặc các bệnh ác tính khác ảnh hưởng đến chức năng tủy xương hoặc hạch bạch huyết.

  – Phụ nữ mang thai hoặc nghi ngờ mang thai.

  – Sau khi truyền máu, huyết tương hoặc các globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng không tiêm vaccin.

Tác dụng phụ: Hầu như không có tác dụng phụ nào xảy ra trên lâm sàng. Tăng thân nhiệt và sưng tuyến nước bọt có thể xảy ra mặc dù rất hiếm.

7.    BỆNH VIÊM NÃO NHẬT BẢN

     Bệnh Viêm não Nhật Bản (VNNB) là nhiễm trùng tại não do vi rút được phát hiện đầu tiên tại Nhật Bản. Mặc dù, hầu hết bệnh xảy ra ở trẻ em nhưng vẫn có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt khi vi rút mới xâm nhập đến địa phương nơi mà người dân chưa có miễn dịch.

CNVACXIN9

Phương thức lây truyền: mang trùng là chim và lợn, muỗi là trung gian mang vi rút sang người.

     Bệnh thường biểu hiện rất cấp tính bao gồm sốt cao đột ngột, nhức đầu, nôn mửa;rối loạn tinh thần ở các mức độ khác nhau: vật vã mê sảng hoặc li bì, lú lẫn, hôn mê kèm theo co giật, cử động bất thường hoặc bị liệt. Để lại nhiều di chứng nặng nề về tâm thần kinh với tỷ lệ tử vong cao có thể lên đến 10% – 20%.

     Tiêm chủng là cách tốt nhất để khống chế bệnh VNNB. Các chế phẩm vắc xin VNNB hiện nay có hiệu quả bảo vệ trên 90% số người được tiêm phòng.

Chỉ định tiêm vắc xin VNNB: Tất cả người lớn và trẻ em đủ 12 tháng tuổi trở lên.

Chống chỉ định tiêm vắc xin VNNB:

  – Những người quá mẫn với bất cứ thành phần nào của vắc xin.

  – Mắc các bệnh bẩm sinh.

  – Mệt mỏi, sốt cao hoặc các bệnh nhiễm trùng đang tiến triển.

  – Bệnh tim, thận hoặc bệnh gan.

  – Bệnh tiểu đường.

  – Bệnh ung thư máu và các bệnh ác tính nói chung.

  – Bệnh quá mẫn.

  – Phụ nữ có thai.

Tác dụng phụ:

  – Phản ứng tại chỗ: Đỏ vùng tiêm, sưng tấy chỗ tiêm.

  – Phản ứng toàn thân rất hiếm xảy ra: Ớn lạnh, đau đầu, sốt

8.    BỆNH THƯƠNG HÀN

     Thương hàn là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Salmonella typhi gây ra. Bệnh khởi phát đột ngột với sốt cao kéo dài, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, mạch chậm, táo bón hoặc tiêu chảy và ho khan. Tuy nhiên, cũng có trường hợp nhẹ hoặc không triệu chứng.

CNVACXIN10

     Phương thức lây truyền: Do ăn phải thực phẩm, uống nước bị nhiễm khuẩn không được nấu chin. Đây là đường lây quan trọng và thường gây thành dịch lớn. Do tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, người mang vi khuẩn qua chất thải, chân, tay, đồ dùng bị nhiễm khuẩn. Đường lây này thường gây dịch nhỏ, tản phát.

     Bệnh thương hàn đặc trưng bởi sốt cao liên tục, kéo dài, vã nhiều mồ hôi, viêm dạ dày ruột và tiêu chảy. Ít gặp hơn là ban dát, chấm màu hoa hồng (hồng ban) có thể xuất hiện.

Các biến chứng của bệnh có thể gặp:

  • Xuất huyết tiêu hóa, do chảy máu từ mảng Peyer xung huyết; có thể rất trầm trọng nhưng thường không gây tử vong
  • Thủng ruột non ở đoạn xa hồi tràng; đây là biến chứng cực kỳ trầm trọng và thường xuyên gây tử vong. Nó có thể xảy ra mà không có triệu chứng cảnh báo cho đến khi nhiễm trùng huyếtviêm phúc mạc lan tỏa bắt đầu.
  • Viêm não
  • Gây mủ ở cơ quan khác, viêm túi mật, viêm nội tâm mạc tim, viêm xương.

Vắc xin thương hàn được làm từ polysaccharide (kháng nguyên) của vỏ vi khuẩn thương hàn Salmonella typhi để gây miễn dịch chủ động cho người lớn và trẻ em trên 2 tuổi.

Chỉ định dùng vắc xin thương hàn:

  – Người lớn và trẻ em từ 2 tuổi trở lên.

  – Khách du lịch đến những vùng dịch tễ thương hàn, di dân, nhân viên y tế và quân nhân.

Chống chỉ định:

  – Không dùng vắc xin này cho những trường hợp có tiền sử dị ứng với một trong các thành phần của vắc xin.

  – Phụ nữ đang mang thai, trường hợp bắt buộc phải tiêm, cần có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

  – Trẻ em dưới 2 tuổi.

Tác dụng phụ:

  – Phản ứng phụ thường nhẹ như tại nơi tiêm có đau, sưng nề, quầng đỏ

  – Hiếm gặp các phản ứng toàn thân (sốt, mệt mỏi, nhức đầu, khó chịu, đau khớp và đau cơ, buồn nôn, đau bụng).

  – Rất hiếm gặp các phản ứng dị ứng.

9.    BỆNH TẢ

     Bệnh tả (Cholera) là một bệnh nhiễm trùng đường ruột do vi trùng Vibrio cholerae gây ra, độc tố của vi trùng này gây tiêu chảy nặng kèm theo mất nước.

CNVACXIN11

     Bệnh truyền chủ yếu qua nước uống hoặc ăn các thức ăn đã bị nhiễm phân (chất thải) của người bệnh, bao gồm những người không có biểu hiện triệu chứng.

     Biểu hiện nhiễm khuẩn cấp tính đường tiêu hoá bắt đầu là đầy bụng và sôi bụng; Bệnh nhân đi tiêu chảy liên tục, nhiều lần, phân toàn nước, nước phân đục như nước vo gạo. Số lần tiêu chảy và số lượng nước mất thay đổi tùy từng trường hợp nặng nhẹ khác nhau, có thể lên 40-50 lần/ngày, mất 5-10 lít nước/ngày. Kèm theo bệnh nhân có nôn, lúc đầu nôn ra thức ăn, sau chỉ toàn nước trong hoặc vàng nhạt. Bệnh nhân không đau bụng, không sốt, người mệt lả, có thể bị chuột rút, biểu hiện tình trạng mất nước nhẹ đến nặng như: khát nước, da khô, nhăn nheo, hốc hác, mắt trũng, mạch nhanh, huyết áp hạ, có khi không đo được, tiểu tiện ít hoặc vô niệu, chân tay lạnh

     Vắc xin phòng bệnh tả là vắc xin toàn thân vi khuẩn đã bất hoạt bởi Formalin hoặc nhiệt độ. Vắc xin này có chứa kháng nguyên đồng điều hòa độc tố (TCP: Toxin Coregulated Pilus).

Chỉ định: Vắc xin dùng ở các địa phương có dịch tả lưu hành thường xuyên. Sử dụng cho mọi lứa tuổi.

Chống chỉ định: Các bệnh nhiễm trùng đường ruột cấp tính. Các bệnh cấp tính và mãn tính đang thời kỳ tiến triển.

Tác dụng phụ: Các tác dụng phụ không đáng kể.

  – Dùng bằng đường uống.

10.    BỆNH THỦY ĐẬU

     Bệnh thủy đậu do vi rút thủy đậu (Varicella virus) gây ra. Là bệnh dễ lây và phổ biến ở trẻ em. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, khởi phát bệnh thường đột ngột với triệu chứng nổi mụn nước xuất hiện rất nhanh trong vòng 12 – 24 giờ có thể nổi toàn thân. Bên cạnh mụn nước trẻ nhỏ thường kèm sốt nhẹ, biếng ăn nhưng ở người lớn hay trẻ lớn thường kèm sốt cao, đau đầu, đau cơ, nôn ói. Bệnh sẽ kéo dài từ 7 – 10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt rạ sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, không để lại sẹo, nhưng nếu bị nhiễm thêm vi trùng mụn nước có thể để lại sẹo.

CNVACXIN12

     Biến chứng của bệnh thủy đậu rất là nhiều: nhẹ là nhiễm trùng da nơi mụn nước, nặng hơn vi trùng có thể xâm nhập từ mụn nước vào máu gây nhiễm trùng huyết. Các biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não, là các biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng, hay để lại di chứng.

     Đặc biệt, thậm chí sau khi bệnh nhân đã khỏi bệnh, siêu vi thủy đậu vẫn còn tồn tại trong các hạch thần kinh dưới dạng bất hoạt (ngủ đông). Nhiều năm sau đó, có thể là 10, 20, hay 30 năm sau, khi có điều kiện thuận tiện như sức đề kháng cơ thể kém hay có yếu tố gì khác, thì siêu vi này sẽ tái hoạt động trở lại và gây ra san thương của bệnh zona.

     Phụ nữ mang thai nếu mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm vì sẽ dễ bị biến chứng nặng, đặc biệt là viêm phổi. Khi phụ nữ mang thai bị thủy đậu ở 3 tháng đầu của thai kỳ, virus sẽ gây sẩy thai, hay khi sinh ra trẻ sẽ bị thủy đậu bẩm sinh với nhiều dị tật như đầu nhỏ, co gồng tay chân, bại não, sẹo bẩm sinh… Còn nếu bị trong những ngày sắp sinh hay sau sinh trẻ bị lây bệnh sẽ bệnh rất nặng với mụn nước nổi rất nhiều và dễ bị biến chứng viêm phổi, viêm đường hô hấp.

     Bệnh thủy đậu có thể phòng được bằng vắc xin. Vắc xin thủy đậu đang được dùng hiện nay là vắc xin sống giảm độc lực.

Chỉ định tiêm phòng bệnh thủy đậu:

  – Trẻ nhỏ từ 12 tháng tuổi trở lên chưa mắc bệnh thủy đậu

  – Người lớn chưa từng mắc bệnh thủy đậu, đặc biệt là các đối tượng như cô giáo, người chăm sóc trẻ, nhân viên y tế

  –  Phụ nữ chưa có miễn dịch với bệnh cần được tiêm ngừa trước khi mang thai khoảng 2 tháng

Chống chỉ định:

  – Tiền sửa quá mẫn với bất cứ thành phần nào của vắc xin.

  – Các trường hợp suy giảm miễn dịch nguyên phát hoặc mắc phải.

  – Sốt trên 38,50C.

  – Mắc bệnh lao nhưng chưa được điều trị.

  – Phụ nữ có thai.

  – Các bệnh lý về máu (bạch cầu cấp, u lympho…).

Tác dụng phụ: Thường những phản ứng này đều nhẹ và ít khi xảy ra. Một số phản ứng có thể gặp sau tiêm phòng thủy đậu bao gồm:

  – Sưng, đỏ, đau ngay vị trí tiêm

  – Sốt nhẹ

  – Phát ban nhẹ xảy ra trong khoảng 5 – 26 ngày sau tiêm ngừa

  – Dị ứng với vắc xin phòng bệnh thủy đậu: rất hiếm xảy ra, những phản ứng này thường xuất hiện trong vòng 15 phút sau tiêm. XEM TIẾP PHẦN CUỐI

Các tin liên quan