CÁC PHƯƠNG PHÁP VÀ KỸ THUẬT PHỤC HỒI CHỨC NĂNG SAU PHẪU THUẬT TÁI TẠO DÂY CHẰNG CHÉO TRƯỚC

17/06/2021 Lúc 9:34sáng Người đăng: Việt Ny

Khớp gối là một khớp rất quan trọng với cơ thể, vì hầu hết các cử động đều liên quan đến vùng đầu gối dù ít hay nhiều. Bên cạnh đó, khớp gối còn có nhiệm vụ nâng đỡ toàn bộ trọng lượng cơ thể nên rất dễ bị đau nhức, khó chịu, thậm chí là chấn thương nghiêm trọng, chẳng hạn như đứt dây chằng khớp gối: Chéo trước, chéo sau, bên trong hay bên ngoài.

Ngày 11/06/2021, Khoa Ngoại chấn thương Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo trước cho bệnh nhân D T T, 40 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội bị đứt dây chằng chéo trước gối trái do ngã khi chơi thể thao.

Phục hồi chức năng sớm sau phẫu thuật tái tạo dây chằng khớp gối là rất cần thiết và quan trọng, giúp khớp gối nhanh chóng lấy lại được biên độ vận động như trước phẫu thuật, sức cơ hồi phục, đồng thời tránh teo cơ đùi.

Giai đoạn 1: Từ 0 – 2 tuần sau mổ:

  • Nẹp và nạng: Đeo nẹp dài tư thế duỗi hoàn toàn. Sử dụng nạng khi di chuyển, chịu sức nặng một phần cơ thể trong 6 tuần.
  • Tập gồng cơ tứ đầu đùi: Ngồi, hoặc nằm duỗi thẳng gối, gồng cơ đùi và giữ lại sao cho gối sát nền duỗi thẳng. Giữ nguyên tư thế trong 5 giây, thực hiện 20 lần/ngày. (Nếu thực hiện đúng sẽ thấy bánh chè di chuyển lên xuống khi gồng cơ). Với tư thế ngồi hoặc nằm duỗi thằng gối này, người bệnh có thể kết hợp thực hiện vận động gấp duỗi cổ chân 30 – 40 lần/phút.
  • Gác cao gót chân và gồng cơ:  Gác cao gót chân lên khăn cuộn và gồng cơ đùi. Giữ nguyên tư thế trong 5 phút, thực hiện 3 – 5 lần/ngày.
  • Ngồi dùng chân lành nâng gót chân mổ: Ngồi trên ghế tựa, dùng chân lành nâng gót chân mổ, nâng và hạ gót chân để gối gấp, duỗi. Giữ nguyên tư thế trong 5 giây, thực hiện 20 lần/ngày.
  • Nâng chân duỗi gối: Nằm trên mặt phẳng, nâng chân duỗi gối đau lên cao 20 – 30 cm tạo thành 1 góc 45 độ. Gồng cơ đùi để giữ gối thẳng, giữ nguyên tư thế trong 5 giây. Sau đó hạ chân xuống từ từ trong tư thế  gối duỗi thẳng, thực hiện 20 lần/ngày.
  • Di chuyển xương bánh chè: Dùng 2 ngón tay của 2 bàn tay di chuyển xương bánh chè theo hướng lên trên, xuống dưới và sang ngang để tránh xơ dính. Mỗi lần 15 – 30 giây, thực hiện 3 – 5 lần/ngày.
  • Dạng khớp háng: Nằm nghiêng trên mặt phẳng, chân lành gấp góc vuông 90 độ, chân mổ duỗi thẳng nâng cao chân 1 góc 45 độ. Giữ nguyên tư thế trong 5 giây, hạ chân xuống từ từ. Thực hiện lặp lại 20 lần. Ngày 3 – 5 lần.

Giai đoạn 2: Từ 2 – 6 tuần

  • Đạp xe tại chỗ, không tải kháng lực, nâng cao yên xe để gối duỗi tối đa
  • Trượt gót chân với khăn: Ngồi dùng dây chun hoặc khăn, trượt gót chân và gấp gối. Lưu ý dùng dây để kéo gấp gối chứ không dùng cơ phía sau gối, khi duỗi thẳng gối nên gồng cơ tứ đầu đùi. Mỗi lần 5 – 15 phút, ngày 3 – 5 lần
  • Đứng thẳng, lưng dựa tường, nâng các ngón chân lên, gót chạm nền, gối duỗi tối đa, gồng cơ đùi. Giữ nguyên tư thế trong 15 giây. Thực hiện lặp lại 3 – 5 lần.
  • Nâng và gấp gối vòng nhỏ (kê khăn dưới gối): Giữ nguyên tư thế 15 giây, ngày 3 – 5 lần
  • Nằm sấp, duối thẳng hai chân, từ từ nâng chân mổ lên cao và duỗi gối: Giữ nguyên tư thế 15 giây, ngày 3 – 5 lần.

Giai đoạn 3: Từ 6 – 12 tuần: 

  • Bỏ nẹp và nạng để tập đi lại.
  • Tiếp tục các bài tập giai đoạn 1 và 2.
  • Đạp xe có trọng tải
  • Đứng thẳng hai chân song song, tay dựa thành ghế, gấp chân mổ 1 góc 90 độ. Giữ nguyên tư thế 15 – 30 giây, thực hiện 3 – 5 lần.
  • Ngồi xổm lên ghế: Không ngồi xuống ghế, chỉ để mông chạm ghế, sau đó đứng dậy tư thế ban đầu. Giữ nguyên tư thế trong 15 – 30 giây, thực hiện ngày 3 – 5 lần. Sau 12 tuần có thể cầm thêm tạ (từ 5 – 10kg) để tập bài tập này.
  • Trượt tường: Đứng tựa lưng và mông vào tường, dạng hai chân cách nhau khoảng 25cm và cách tường 20cm, từ từ hạ mông, gấp gối khoảng 45 độ. Giữ nguyên tư thế trong 5 giây và từ từ trượt lại tư thế ban đầu. Thực hiện 10 – 15 lần, mỗi ngày 3 lượt tập

Giai đoạn 4: Từ 12 –1 8 tuần:

  • Tiếp tục các bài tập giai đoạn 1, 2 và 3
  • Tập căng cơ bắp chân sau: Gác chân mổ lên ghế, gấp người từ từ, giữ gối duỗi thẳng đến khi thấy căng phía sau đùi và gối. Giữ nguyên tư thế trong 15 – 20 giây, thực hiện lặp lại 3 – 5 lần/ngày.
  • Tập căng cơ đùi: Chân lành đứng trụ, gấp gối chân mổ tăng dần đến khi gót chạm mông và cảm nhận được căng cơ đùi. Giữ nguyên tư thế trong 15 – 20 giây, thực hiện lặp lại 3 – 5 lần/ngày.
  • Tập căng bắp chân và gót: Bước chân lành lên trước, đổ người phía trước, tay chống tường, ép duỗi thẳng gối chân mổ đến khi thấy căng cơ sau bắp chân và gót. Giữ nguyên tư thế trong 15 – 20 giây, thực hiện lặp lại 3 – 5 lần/ngày.
  • Ngồi xổm 1 chân: Đứng trụ bằng chân mổ, ngồi từ từ xuống ghế nhưng không chạm ghế, sau đó từ từ đứng lên tư thế ban đầu.

Giai đoạn 5: Từ 18 tuần

  • Tiếp tục các bài tập giai đoạn 1, 2, 3 và 4
  • Gấp cẳng chân khi đứng (gối chỉ gấp 45 độ): Tăng trọng lượng thêm mỗi tuần 5kg tới khi nào đến 25kg.
  • Thực hiện đứng lên ngồi xuống có tạ
  • Thực hiện nhún gót nâng bắp chân có tạ
  • Bước chân lên xuống: Đặt bàn chân mổ lên bậc, giữ thăng bằng, gối duỗi thăng, nhẹ nhàng bước xuống và đổi chân. Lưu ý chân chỉ chạm nhẹ bậc thang chứ không đứng cả bàn chân lên.
  • Kê cao gót, duỗi thẳng gối: Nằm trên giường, kê khăn dưới gót chân hoặc ngồi trên ghế và gác gót chân lên ghế đối diện để duỗi thẳng gót chân. Nếu thấy gối chưa duỗi thẳng hết thì dùng vật nặng khoảng 10 kg đặt lên trên bánh chè. Giữ nguyên tư thế khoảng 5 phút. Thực hiện 3 lần mỗi ngày. Lưu ý gồng cơ tứ đầu đùi khi duỗi thẳng gối.
  • Nằm sấp duỗi thẳng gối: Nằm sấp, để chân ra ngoài cạnh giường từ bánh chè, thả lỏng để gối duỗi hoàn toàn. Nếu gối không duỗi hoàn toàn thì treo vào cổ chân vật nặng khoảng 5 – 10 kg. Giữ nguyên tư thế khoảng 5 phút. Thực hiện 3 lần mỗi ngày. Lưu ý gồng cơ tứ đầu đùi khi duỗi thẳng gối.
  • Gấp gối nhẹ: Kê khăn dưới gối, gấp và duỗi gối thẳng. Giữ nguyên tư thế trong 5 giây sau đó hạ chân xương. Thực hiện lặp lại 20 lần. Ngày 3 – 5 lần.
  • Gấp 1/3 gối: Đứng trong tư thế chuẩn bị ngồi xuống, gối gấp và hạ mông xuống khoảng 10 – 20 cm. Giữ nguyên tư thế trong 1 – 2 giây sau đó đứng thẳng lên.
  • Khi gặp chấn thương khớp gối, người bệnh có thể chỉ bị đứt một phần hoặc hoàn toàn dây chằng chéo sau và có thể hết đau lại sau một thời gian vì vậy thường rất khó phát hiện. Nếu người bệnh chủ quan và không điều trị kịp thời đúng phương pháp sẽ dẫn đến những tổn thương nghiêm trọng hơn như: Hạn chế chức năng khớp gối, thoái hóa khớp gối. Vì vậy, ngay khi xuất hiện những dấu hiệu bất thường ở vùng gối, người bệnh cần tới ngay cơ sở y tế có chuyên khoa cơ xương khớp để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Tại Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, sự phối hợp liên hoàn giữa Khoa Ngoại chấn thương và Phục hồi chức năng cùng đưa ra phác đồ điều trị khoa học giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi vận động và có thể chơi thể thao trở lại bình thường.

Để được hỗ trợ cung cấp thông tin và tư vấn chi tiết, vui lòng liên hệ:

  • Khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp
  • Km13+500 Quốc lộ 1A – Ngọc Hồi – Thanh Trì – Hà Nội
  • Số điện thoại 0379899156

Các tin liên quan