Vị trí, chức năng, nhiệm vụ Bệnh viện

09/12/2013 Lúc 6:19chiều Người đăng: admin

Điều 1. Vị trí, chức năng:

     1.Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (sau đây gọi tắt là Bệnh viện) có chức năng khám bệnh, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, phục hồi chức năng cho bệnh nhân là công chức, viên chức, người lao động ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và nhân dân; đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật hiện đại để phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp.

    2. Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp là đơn vị sự nghiệp y tế công lập trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chịu sự quản lý về chuyên môn của Bộ Y tế và về lãnh thổ của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng để hoạt động theo quy định của pháp luật.

     3. Trụ sở chính của Bệnh viện đặt tại xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Cơ sở 2 tại số 16 ngõ 183 phố Đặng Tiến Đông và số 115 I7 phố Phương Mai – Đống Đa – Hà Nội và cơ sở 3 tại 81 đường Lý Thánh Tông – Đồ Sơn – Hải Phòng

Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bệnh viện:

     1. Xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển dài hạn, 5 năm và hàng năm về y tế ngành Nông nghiệp, trình cấp có thẩm quyền và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.

     2. Khám bệnh, chữa bệnh :
a) Thực hiện khám bệnh, chữa bệnh cho công chức, viên chức, người lao động thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và nhân dân;
b) Tổ chức tiếp nhận, cấp cứu, khám và điều trị bệnh cho nhân dân các tuyến chuyển đến;
c) Tổ chức khám và chứng nhận sức khỏe theo quy định;
d) Tham gia khám giám định y khoa, giám định pháp y theo quy định;
đ) Phối hợp với các cơ sở y tế trên địa bàn để cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, tham gia phòng chống dịch bệnh khi được yêu cầu.

     3. Phục hồi chức năng sau điều trị và phục hồi chức năng cộng đồng;

    4. Y tế lao động:
a) Tổ chức thực hiện quản lý vệ sinh lao động, quản lý sức khỏe người lao động và bệnh nghề nghiệp thuộc ngành nông nghiệp theo quy định của pháp luật;
b) Tham gia tập huấn về giám sát môi trường lao động, sức khỏe lao động, bệnh nghề nghiệp.

    5. Phòng, chống dịch bệnh và tai nạn thương tích:
a) Tham gia truyền thông, giáo dục sức khỏe cộng đồng, phòng chống tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt;
b) Thực hiện phòng chống dịch bệnh; khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa liên quan đến lĩnh vực y tế.

    6. Chỉ đạo tuyến:
a) Chuyển giao và hỗ trợ các kỹ thuật chuyên môn cho tuyến dưới; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên môn của các cơ sở y tế trong khu vực theo quy định của pháp luật;
b) Tham gia với các cơ sở y tế tuyến dưới tổ chức triển khai các chương trình, dự án y tế liên quan.

    7. Nghiên cứu khoa học:
a) Nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học để phục vụ khám bệnh, chữa bệnh, phòng bệnh, phục hồi chức năng theo quy định của pháp luật.
b) Tham gia xây dựng các tiêu chí quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Bệnh viện và các văn bản quy phạm pháp luật khác theo quy định.

    8. Đào tạo:
a) Bệnh viện là cơ sở thực hành để đào tạo cán bộ y tế ở bậc trên Đại học, Đại học và trung học.
b) Tổ chức đào tạo liên tạo cho các thành viên trong Bệnh viện và tuyến dưới nâng cao trình độ chuyên môn.

    9. Hợp tác quốc tế: Liên kết, hợp tác với các tổ chức quốc tế về khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, phòng chống dịch bệnh, đào tạo và nghiên cứu khoa học theo quy định của pháp luật.

   10. Quản lý kinh tế bệnh viện:
a) Quản lý cơ sở vật chất, tài chính, tài sản, phương tiện và các nguồn lực khác của Bệnh viện theo quy định của pháp luật.
b) Tổ chức các hoạt động cung cấp dịch vụ kỹ thuật cao trong công tác khám chữa bệnh, phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp; Tạo thêm nguồn kinh phí cho bệnh viện từ các dịch vụ y tế: liên doanh, liên kết, xã hội hóa các dịch vụ phục vụ y tế, Bảo hiểm y tế, các dịch vụ khoa học kỹ thuật, các dự án đầu tư trong nước và quốc tế.

   11. Xây dựng trình Bộ đề án Vị trí việc làm; quản lý tổ chức bộ máy, biên chế công chức theo ngạch, số lượng viên chức theo chức danh nghề nghiệp và người lao động theo quy định của pháp luật.

    12. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo, thống kê, kiểm tra, thanh tra theo quy định.

    13. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao.

Các tin liên quan