Phản vệ là một phản ứng dị ứng, có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên gây ra các bệnh cảnh lâm sàng khác nhau, có thể nghiêm trọng dẫn đến tử vong nhanh chóng. Trong đó Sốc phản vệ là một trong những phản vệ nguy hiểm nhất, nếu được cấp cứu kịp thời và đúng cách thì bệnh nhân sốc phản vệ sẽ được cứu sống.
Để nâng cao năng lực phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ, giúp hạn chế tai biến và tỷ lệ bệnh nhân tử vong do sốc phản vệ, ngày 13/3/2018, Trung tâm ĐT-NCKH-HTQT phối hợp với Khoa Cấp cứu và Chống độc Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp tổ chức lớp tập huấn “Hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ” theo Thông tư 51/2017/TT-BYT ngày 29 tháng 12 năm 2017 do BS.CKI Lý Công Hinh – Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc giảng bài đã thu hút đông đảo các bác sỹ, điều dưỡng tại bệnh viện.
BS.CKI Lý Công Hinh – Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc
Trong chương trình tập huấn, các học viên được cập nhập kiến thức về phản vệ theo Thông tư 51/2017/TT-BYT ngày 29 tháng 12 năm 2017 bao gồm các hướng dẫn chẩn đoán phản vệ, chẩn đoán mức độ phản vệ, xử trí cấp cứu phản vệ , hướng dẫn xử trí phản vệ trong một số trường hợp đặc biệt, hộp thuốc cấp cứu phản vệ và trang thiết bị y tế, sơ đồ chẩn đoán và xử trí phản vệ… Nghĩ đến phản vệ khi xuất hiện ít nhất một trong các triệu chứng sau: 1. Mày đay, phù mạch nhanh. 2. Khó thở, tức ngực, thở rít. 3. Đau bụng hoặc nôn. 4. Tụt huyết áp hoặc ngất. 5. Rối loạn ý thức.
Đông đảo các bác sỹ, điều dưỡng tham gia tập huấn
Với các kiến thức bổ ích, đáp ứng kịp thời nhu cầu của nhiều bác sỹ, điều dưỡng từ các khoa. Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp hy vọng các bác sỹ, điều dưỡng phải nắm vững kiến thức và thực hành cấp cứu phản vệ theo phác đồ.
Nguồn tin: Hồng Anh – Phòng Kế hoạch tổng hợp