Những năm gần đây ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân cao tuổi mắc sốt xuất huyết.
Gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết trên người cao tuổi
Tính đến hết ngày 3/9, Hà Nội có 1.726 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó tử vong 02 trường hợp. Các trường hợp mắc phân bố tại 29/30 quận, huyện và 303/579 xã, phường. Một số quận huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân là Phúc Thọ, Thường Tín, Thanh Oai, Đống Đa.
Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, tính từ đầu mùa dịch bệnh viện có khoảng 500 bệnh nhân đến nhập viện, nếu tính lượt khám thì con số cũng phải lên tới hàng nghìn.
“Cách đây khoảng nửa tháng trước con số này vẫn thấp hơn tuy nhiên gần đây số lượng bệnh nhân tăng lên rất nhiều và hiện tại ở Khoa truyền nhiễm hơn 2/3 số lượng bệnh nhân điều trị tại khoa là bệnh nhân sốt xuất huyết”, BSCKII. Nguyễn Tân Trang cho hay.
Theo bác sĩ Trang, năm nay diễn biến sốt xuất huyết chưa ghi nhận trường hợp nào đặc biệt nghiêm trọng hơn cả. Mặc dù do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên cũng có nhiều trường hợp người bệnh ngại đến viện thăm khám và điều trị, nhưng rất may bệnh viện chưa tiếp nhận ca bệnh nào đặc biệt nghiêm trọng.
Bên cạnh số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đến khám và điều trị tại viện có dấu hiệu gia tăng đột biến, thì tình huống bệnh nhân đến nhập viện khá đa dạng, có trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo, có trường hợp trên nền bệnh lý nền.
“Trước đây, các trường hợp bệnh sốt xuất huyết trên người già thì rất ít nhưng trong những năm gần đây có những người già, thậm chí trên 80 tuổi vẫn mắc sốt xuất huyết. Tính chất bệnh đã có những sự thay đổi nhất định và khi bệnh sốt xuất huyết trên những người già, những người bệnh có bệnh lý nền thì tính chất bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều và khó khăn hơn trong quá trình điều trị”, bác sĩ Trang cho biết.
Tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp đang tiếp nhận và điều trị một trường hợp cụ bà 72 tuổi, mắc sốt xuất huyết có bệnh lý nền là tăng huyết áp, tiểu đường.
Bệnh nhân nữ 72 tuổi, trú tại huyện Thường Tín, TP Hà Nội nhập viện trong tình trạng sốt, đau đầu nhưng không nghĩ mình bị sốt xuất huyết. “Ban đầu tưởng là bị chảy mãu não nên tôi được đưa đi kiểm tra chụp cắt lớp nhưng kết quả không phải, các bác sĩ cho nhập viện. Ở viện 1-2 hôm thì tôi đã cắt sốt lại bị hạ tiểu cầu nên tôi vẫn ở lại viện để được theo dõi”, bệnh nhân cho hay.
Sau 8 ngày nhập viện và điều trị, bệnh nhân đã bước sang giai đoạn hồi phục. Tuy nhiên, ở những người cao tuổi, giai đoạn phục hồi thường kéo dài, những triệu chứng trong giai đoạn hồi phục mà bệnh nhân vẫn còn đó là: mệt mỏi, ăn kém, chân tay yếu, đi lại cảm giác không vững…
BSCKII. Nguyễn Tân Trang, Phó Trưởng Khoa, Khoa Truyền Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp. |
Tự ý truyền dịch điều trị sốt xuất huyết là điều tối kỵ
Hà Nội đã ghi nhận hai ca tử vong do sốt xuất huyết vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9. Ca đầu tiên là thiếu niên 17 tuổi, ở Nam Từ Liêm, sốt xuất huyết, sốc truyền dịch tại nhà, bị ngừng tim 30 phút. Ca bệnh thứ hai là bệnh nhân 57 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm, nguyên nhân tử vong do sốc nhiễm khuẩn, rối loạn đông máu. Cả hai người đều đến bệnh viện muộn, tình trạng nặng.
Theo bác sĩ Trang khuyến cáo về việc tự ý điều trị sốt xuất huyết tại nhà mà không có sự theo dõi của cán bộ y tế là rất nguy hiểm. “Sốt xuất huyết với những ca bệnh nhẹ thì thường tự khỏi, tuy nhiên với thói quen của người dân tự ý truyền dịch điều trị sốt xuất huyết mà không được giám sát là một điều tối kỵ”, BSCKII. Nguyễn Tân Trang cho hay.
Trong điều trị bệnh sốt xuất huyết, thói quen tự ý truyền dịch tại nhà có thể dẫn đến nguy hiểm cho người bệnh. Trên thực tế, có những trường hợp truyền dịch không sao, nhưng có những trường hợp khi đến viện có dấu hiệu cảnh báo, các bác sĩ mới phát hiện ra có rất nhiều dịch trong ổ bụng. Tình trạng đó ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của người bệnh, tiên lượng sẽ nặng nề hơn cho người bệnh.
Không chỉ vậy, sốt xuất huyết là căn bệnh có diễn biến vô cùng phức tạp và đa dạng, quá trình điều trị đòi hỏi sự theo dõi sát của cán bộ y tế. Khi xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo cần phải nhập viện để các bác sĩ theo dõi sát các diễn biến bởi ở mỗi bệnh nhân lại có một diễn biến bệnh khác nhau.
“Nếu không được theo dõi sát, xử lý đúng mà người bệnh bị suy tạng, sốc, giai đoạn muộn hơn là không hồi phục thì gần như y tế can thiệp rất khó khăn. Lúc đó gần như tỷ lệ tử vong rất cao”, bác sĩ Trang nhấn mạnh.
Để điều trị sốt xuất huyết an toàn, bác sĩ Trang khuyến cáo, bệnh nhân sốt xuất huyết có thể được điều trị tại nhà, nhưng đến những giai đoạn quan trọng thì cần được các bác sĩ hẹn đến khám, kiểm tra tình trạng tiểu cầu, biến chứng. Bởi ở giai đoạn sau người bệnh có thể gặp tình trạng hạ tiểu cầu thấp, nguy cơ chảy máu rất cao, khi đến viện sẽ rất khó khăn trong công tác điều trị.
Theo Baophapluat.vn