Mới đây, các bác sĩ Khoa Ngoại chấn thương, BVĐK Nông Nghiệp (Hà Nội) tiến hành phẫu thuật nẹp cột sống (TLIF) để điều trị cho bệnh nhân Đ.N.C, 63 tuổi (ở Quốc Oai, Hà Nội).
Bệnh nhân bị đau lưng lan xuống 2 chân đã hơn 2 năm nay, dùng thuốc khám nhiều nơi không đỡ, đi lại khó khăn, tê nhiều 2 chân, yếu dần. Bệnh nhân vào BVĐK Nông Nghiệp khám, qua thăm khám được chẩn đoán thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống L4L5 chèn ép thần kinh.
Sau hội chẩn, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật nẹp cột sống (TLIF) trong điều trị trong điều trị thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống chèn ép thần kinh. Sau phẫu thuật bệnh nhân tỉnh táo, huyết động ổn định, vận động 2 chân được, không yếu liệt. Mạch mu chân, chày sau hai bên rõ đều, không rối loạn cảm giác. Chân trái đỡ tê bì, ngồi dậy đi lại được; sức cơ chân phải 5/5, sức cơ chân trái 4/5. Bệnh nhân đỡ đau lưng, đại tiểu tiện tự chủ và được xuất viện sau đó.
BS.CKII Lê Việt – Trưởng khoa Ngoại chấn thương của bệnh viện cho biết: Đối với trường hợp của bệnh nhân C., bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm và hẹp ống sống L4L5 chèn ép thần kinh. Bệnh nhân C. với tình trạng đĩa đệm thoái hóa, mất nước, khô, thoát vị vào lòng ống sống; mấu khớp liên đốt sống phì đại, dày dây chằng vàng, làm bó hẹp ống sống L4L5, Với tình trạng này phương pháp nẹp cột sống là phương pháp duy nhất có thể giúp bệnh nhân cải thiện bệnh tình.
Thay vì dùng phương pháp nẹp cột sống truyền thống PLIF, các bác sĩ ngoại chấn thương áp dụng phương pháp nẹp cột sống tiên tiến TLIF để phẫu thuật cho bệnh nhân. Ưu điểm của kỹ thuật phẫu thuật nẹp cột sống bao gồm bộc lộ theo đường bên sẽ hạn chế được tổn thương và căng giãn thần kinh, lối tiếp cận đường bên giúp bác sĩ phẫu thuật dễ dàng hơn trong quá trình thao tác kỹ thuật.
Chú ý các dấu hiệu sớm của bệnh thoát vị đĩa đệm
Theo các chuyên gia, bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng hiện nay ở nước ta chiếm tỷ lệ khá cao và đang có xu hướng trẻ hóa, thường gặp ở lứa tuổi từ 20-55 tuổi. Bên cạnh đó, nhiều người thường phát hiện bệnh quá muộn và chữa trị không đúng cách nên bệnh có thể tái phát nhiều lần và ngày càng nặng hơn, dẫn đến mất khả năng vận động.
Người bệnh cần nhận biết sớm các triệu chứng để có phương pháp chữa trị, điều trị kịp thời, tránh để bệnh ngày càng nặng và gây ra các biến chứng ảnh hưởng đến khả năng vận động, làm giảm chất lượng cuộc sống.
Tùy theo vị trí đĩa đệm thoát vị có thể có các triệu chứng khác nhau. Thoát vị đĩa đệm ở vùng cột sống thắt lưng hay gặp nhất (trên 90% các trường hợp thoát vị đĩa đệm cột sống) gây đau thắt lưng cấp hay mạn tính, đau thần kinh tọa một hay cả hai bên, đau thần kinh đùi bì. Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ gây đau cổ, đau vai gáy, đau cánh tay: hội chứng cổ – vai – cánh tay.
Để phòng căn bệnh này, người dân cần chú ý duy trì một tư thế tốt trong học tập, lao động và làm việc sẽ tránh được những sang chấn cho cột sống. Nên ngồi thẳng lưng và không nên giữ nguyên một tư thế trong thời gian dài. Để nâng vật nặng, hãy gấp gối thay vì cúi lưng.
Cần duy trì cân nặng hợp lý với chiều cao để tránh áp lực cho cột sống. Nên tập các bài tập làm khỏe khối cơ cạnh cột sống sẽ có tác dụng làm vững cột sống và tránh các bệnh lý đĩa đệm.