PGS.TS. TTND. Hà Hữu Tùng: Nếu phải chọn một bác sĩ có tài và y đức, tôi sẽ…

25/06/2018 Lúc 2:52chiều Người đăng: JK Nguyễn

Cái nắng nóng oi ả của sớm hè không ngăn được bước chân đi thăm các buồng bệnh của PGS.TS Hà Hữu Tùng – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp.

Mặc dù ở cương vị quản lý bệnh viện đã hơn 10 năm nhưng ông vẫn luôn giữ thói quen đi buồng bệnh hàng ngày để thăm khám, quan sát tình trạng sức khỏe bệnh nhân, cũng như theo dõi hoạt động chung của toàn bệnh viện.

Bắt gặp một bệnh nhi đang oằn khóc khó chịu vì đau họng, còn người mẹ đang lúng túng dỗ dành con trong sự lo lắng, ngay lập tức ông đã trổ tài “bác sĩ yêu con nít”.

Chỉ vài câu nói dỗ dành, cưng nựng, vài động tác “ảo thuật” chuyển động ngón tay đơn giản, đứa trẻ ngừng khóc, cuốn nhìn theo cử động ngón tay ông mà quên đi nỗi đau.

Cùng lúc đó, ông không quên giơ ống nghe thăm khám cho bé, hỏi han người mẹ vài câu rồi bảo: “Con không sao, đang có tiến triển tốt, vài hôm nữa là cháu được ra viện về nhà rồi!”

tit-phu-1-2-1544 (anh 2)

Nhìn cách ông khám cho trẻ nhỏ, tôi thấy ở ông có một tình cảm đặc biệt cho chúng. Phải chăng, đây là lý do ông lựa chọn Nhi khoa?

– Ồ, chưa đúng đâu! Phải nói chính xác là tôi bị “bắt cóc” vào học chuyên ngành Nhi khoa (cười lớn). Thời chúng tôi học, Đại học Y Hà Nội bấy giờ chỉ tập trung đào tạo 4 chuyên khoa là: Nhi, Răng hàm mặt, Vệ sinh dịch tễ và Đông y.

Chuyên ngành Nhi khoa được đánh giá là chuyên khoa khó nhằn với nhiều bạn sinh viên. Bởi với tiêu chuẩn sinh viên phải có học lực khá trở lên, đạo đức tốt. Vì thế, sinh viên theo học chuyên khoa này đều do nhà trường lựa chọn. Chưa kể, các thầy dạy bộ môn Nhi nổi tiếng là “khó tính” (cười)

Lúc đầu khi bắt đầu phân chuyên khoa, tôi có nguyện vọng học chuyên khoa Răng Hàm Mặt hoặc chuyên khoa Ngoại. Nhưng cơ duyên đưa đẩy, tôi lại có tên trong danh sách lớp Nhi. Kể từ đó, tôi mải mốt đi theo chuyên khoa Nhi.

Vậy đã bao giờ ông tiếc vì đi học chuyên khoa Nhi thay vì theo sở thích chuyên khoa Ngoại của mình?

– Tôi chưa bao giờ hối hận về việc mình đã được chọn theo học Nhi khoa. Ngược lại, đôi khi tôi nghĩ mình lại là người may mắn. Bởi những thành công tôi có được ngày hôm nay có lẽ là do các thầy chuyên ngành nhi khoa của tôi nghiêm khắc khổ luyện cho sinh viên của mình.

Tôi nhớ, đối với sinh viên thực tập ngành y thì mọi người “ngại” nhất là mổ khám nghiệm tử thi vì nhiều lý do. Song khi thực tập tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện quy định tất cả bệnh nhân tử vong đều phải được tiến hành mổ tử thi rất sớm vào sáng hôm sau, để khi trời sáng gia đình bệnh nhân có thể đem thi thể về nhà.

Vì thế, để được theo dõi mổ tử thi hay tham gia vào quá trình này, chúng tôi bắt buộc phải dậy sớm để đến khu nhà xác của Bệnh viện… Cứ thử nghĩ đến cảm giác đó thì đã thấy nổi da gà chứ đừng nói là…!

Song vượt qua nỗi sợ vô hình đó là những bài học lâm sàng quý với sinh viên chúng tôi. Bởi mặc dù bệnh đã qua thăm khám, chẩn đoán nhưng khi mổ tử thi có thể phát hiện ra những vấn đề khác.

tit-phu-2-2-1544 (anh 3)

Là một bác sĩ nhi có chuyên môn giỏi, vậy tại sao ông lựa chọn làm việc tại một bệnh viện ngành mà không phải là một bệnh viện lớn tuyến trung ương

– Năm tôi tốt nghiệp, nhà trường có ý muốn giữ tôi lại trường để tôi làm công tác Đoàn thanh niên. Nhưng tôi đã từ chối cơ hội này, bởi tôi muốn được làm nghề đúng cái mình học.

Song thời điểm đó là cuối thập niên 80 để tìm được một cơ hội công việc làm trong cơ quan nhà nước như trường học, bệnh viện là cả một trở ngại lớn, nhất với người trẻ ngoại tỉnh như chúng tôi thời bấy giờ mong muốn được ở lại Hà Nội.

Trong lúc đó, một lời gợi ý của người bạn là thay vì đến các bệnh viện trung ương thì thử nộp đơn ứng tuyển vào các bệnh viện của ngành xem sao.

Nghe lời khuyên của bạn, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp là một trong những nơi đầu tiên tôi tìm đến. Sau cuốc đạp xe gần 20 km đến bệnh viện (hồi đó là trạm xá của ngành Nông nghiệp thì có lẽ chính xác hơn), tôi xin gặp Giám đốc bệnh viện để nộp hồ sơ. Thật may mắn, tôi được nhận vào làm luôn cùng một số điều kiện mà thủ trưởng BV bấy giờ đặt ra.

Kể từ đó, tôi bén duyên và gắn bó với nơi này dù quá trình công tác cũng nhận được vài lời mời hấp dẫn về làm việc tại bệnh viện Trung ương trong nội thành.

Có một bác sĩ nhi đã từng chia sẻ, kỹ năng của bác sĩ chuyên khoa Nhi là cả một nghệ thuật. Bởi vì khám chữa cho bệnh nhi không giống với khám chữa bệnh cho người lớn. Để đưa ra phác đồ điều trị chính xác nhất cho bệnh nhi thì ngoài chuyên môn còn cần cả tài giao tiếp và phán đoán. Cũng là một bác sĩ nhi, ông suy nghĩ như thế nào về quan điểm này?

– Điều đó là hoàn toàn chính xác. Bởi với người lớn thì bác sĩ chỉ việc đưa ra yêu cầu là bệnh nhân sẽ làm theo. Nhưng với bệnh nhi thì để nhận được sự hợp tác trong thăm khám ban đầu đã là cả quá trình.

Chưa kể, với những trẻ chưa biết nói, chưa biết nhiều phản xạ đau hay mô tả được bệnh tình chính xác như người lớn thì đòi hỏi bác sĩ nhi phải mất thời gian quan sát, tìm hiểu kỹ bệnh nhân thì mới đưa ra được phác đồ điều trị đúng. Để làm được điều đó, bác sĩ cần phải luôn luôn kề cận với người bệnh.

Đơn cử như cũng là khóc nhưng tiếng khóc hờn dỗi sẽ khác với khóc vì đau, khóc vì khó chịu ở trẻ? Nếu chỉ nghe người khác nói, chỉ có lý thuyết mà không quan sát thực tế thì không thể chẩn đoán chính xác được.

quote-1-2-1549 (anh 4)

Rất nhiều bác sĩ nhi mới ra trường thường lúng túng trong việc chẩn đoán và điều trị. Phải chăng họ thiếu quan sát thực tế như ông vừa nói?

– Sinh viên y khoa bây giờ thiệt thòi hơn chúng tôi ngày trước. Trước đây bệnh nhân điển hình nhiều, sinh viên ít nên việc học tập, thực hành, quan sát thực tế dễ dàng hơn.

Còn bây giờ, sinh viên đông, ca bệnh điển hình ít nên cơ hội học tập, rèn luyện của họ cũng ít đi. Chính vì vậy mà sinh viên và các bác sĩ trẻ không được quan sát, chứng kiến bệnh nhân thực tế, chỉ đọc lý thuyết vanh vách nên rất dễ quên. Trong khi, việc học trực quan kết hợp với kiến thức trong sách vở sẽ giúp bác sĩ nhớ rất lâu.

Để trở thành bác sĩ nhi khoa giỏi thì đòi hỏi người đó phải nắm rất chắc y học cơ sở, từ sinh lý bệnh, giải phẫu… Ví dụ, các trường hợp sốt cao co giật ở những độ tuổi khác nhau thì sẽ định hướng điều trị theo những cách khác nhau. Như sốt, co giật, tổn thương thần kinh, có hội chứng viêm màng não dương tính, nếu như trẻ dưới 3 tuổi thì phải nghĩ ngay đến viêm màng não mủ. Nếu trẻ từ 7 – 10 tuổi phải nghĩ ngay đến viêm não. Phương thức điều trị hai bệnh này hoàn toàn khác nhau. Đó là lý do vì sao bác sĩ nhi phải nằm lòng sinh lý bệnh, nhớ được giải phẫu và có kiến thức thực tế.

quote-2-2-1550 (anh 5.1)

Đối với bác sĩ nhi, việc khám lâm sàng đòi hỏi rất cẩn thận và chi tiết. Nhưng thực tế nhiều bà mẹ phàn nàn bác sĩ nhi khám nhanh, ít giải thích, bắt đi làm nhiều xét nghiệm. Chia sẻ của ông về vấn đề này thế nào?

– Điều này có cái đúng và chưa đúng! Bản thân bác sĩ nhi cần phải trang bị cho mình một kho kiến thức. Ví dụ như mùa này bệnh nhân vào viện khám sổ mũi, hắt hơi thì bác sĩ đã phải nghĩ đến bệnh gì rồi.

Sau đó, bác sĩ chỉ cần một vài câu hỏi quan trọng để củng cố chẩn đoán của mình. Có những người giàu kinh nghiệm chỉ cần hỏi xong một vài câu hỏi họ đã định hướng được bệnh. Họ khám nhanh chứ không khám sơ sài.

Dành nhiều thời gian để tư vấn cho bệnh nhân là điều cần thiết. Bởi rất nhiều trường hợp chỉ cần tư vấn cho người bệnh để họ về nhà điều chỉnh ăn uống, nghỉ ngơi, thay đổi điều kiện sinh hoạt là hết bệnh mà không cần dùng thuốc.

Tôi nghĩ, bác sĩ và người bệnh cần tương tác với nhau trong quá trình điều trị. Nếu tạo được sự thân thiện, bệnh nhân có thể thoải mái trao đổi với bác sĩ về tác dụng phụ do thuốc gây ra nếu gặp phải, để bác sĩ có thể kịp thời xử lý.

Tại khu khám bệnh theo yêu cầu của BV chúng tôi hiện nay, tôi luôn đề nghị các bác sĩ tư vấn thật tốt cho người bệnh, chỉ định các xét nghiệm lâm sàng hợp lý, sau khi kê đơn có tên bác sĩ rõ ràng và có để lại số điện thoại để người bệnh có thể liên hệ khi có thắc mắc hoặc nhu cầu muốn giải thích thêm, tư vấn thêm.

Vậy với bác sĩ không làm đúng yêu cầu, BV ông đã xử lý như thế nào?

– Từ khi làm quản lý, tôi rất khắt khe quy trình khám chữa bệnh đối với nhân viên. Tôi hay xem lại bệnh án bệnh nhân, đôi khi sẽ yêu cầu họ giải thích tại sao họ kê đơn thuốc như này, tại sao chỉ định làm xét nghiệm này mà không làm xét nghiệm khác, làm để làm gì… Việc hỏi như vậy sẽ giúp họ hình thành thói quen tự hỏi và trả lời về những hành động mà họ sẽ làm đối với bệnh nhân.

tit-phu-3-2-1545 (anh 6)

Bệnh nhân khó tính hơn, đòi hỏi khắt khe hơn, trong khi việc đào tạo sinh viên có y khoa phần dễ dàng hơn trước kia. Vậy làm thế nào để ông có thể hài hòa được 2 điều này trong môi trường mà ông đang trực tiếp quản lý?

– Mỗi y bác sĩ khi đầu quân về BV Nông nghiệp đều phải qua quá trình học việc từ 1 – 3 tháng. Ngoài đánh giá chuyên môn thực tế, nếu cảm thấy đạo đức con người của y bác sĩ đó phù hợp, chúng tôi mới đồng ý ký hợp đồng.

Ký hợp đồng không phải được làm luôn mà phải được trưởng khoa, phó khoa duyệt được phép khám bệnh, kê đơn thì bác sĩ đó mới đạt yêu cầu của bệnh viện chúng tôi, chứ không phải cứ có bằng bác sĩ là được.

Do đó, số lượng tiếp nhận y bác sĩ mới về đơn vị nhiều hay ít còn tùy nhu cầu các khoa và tùy nhu cầu từng năm. Song tiêu chí để được nhận vào làm ở chỗ chúng tôi không phụ thuộc quá nhiều vào hồ sơ. Hồ sơ đẹp hay không cũng chưa phản ánh đúng thực chất năng lực người thầy thuốc.

Vậy nếu đặt tình huống giữa một bác sĩ có tài và một bác sĩ có y đức tốt, ông lựa chọn ai?

– Nếu đặt vào trường hợp vậy, tôi sẽ lựa chọn người tài, sau đó tôi sẽ uốn nắn để đưa họ vào quy củ, tuân thủ các quy định của bệnh viện. Người ta vẫn nói “lắm tài nhiều tật” mà. (cười)

Từ khi đảm nhiệm công tác quản lý, tôi thường tự phỏng vấn và lựa chọn y bác sĩ. Đó phải là những người có tố chất tốt, có khả năng phát triển sau khi được rèn rũa, phẩm chất đạo đức tốt.

Cũng xin được nói thêm, những năm gần đây tôi cũng tham gia vào công tác giảng dạy cho sinh viên ngành y, tôi có quan điểm, nhân sự ngành y dù thiếu nhưng cũng không nên đào tạo vội vàng. Đào tạo một cách ồ ạt đến khi ra trường bác sĩ trẻ không làm được việc thì cũng không giải quyết được vấn đề.

Để bệnh viện có được “cơ ngơi” như ngày hôm nay, bí quyết quản lý của ông là gì?

– Năm 2005, khi tôi nhận chức Giám đốc bệnh viện. Khi đó, quy mô bệnh viện còn khiêm tốn, chỉ hơn 100 giường bệnh nhưng vẫn chưa phát huy hết công suất do chưa có nhiều bệnh nhân tìm đến, biết đến do xa trung tâm nội đô.

Bên cạnh đó, là bệnh viện của ngành Nông nghiệp nên chúng tôi lại càng không có bệnh nhân từ tuyến dưới chuyển lên (thường thì bệnh nhân chuyển từ BV huyện lên BV tỉnh rồi lên Trung ương theo đúng tuyến bảo hiểm y tế).

Vì thế, câu chuyện làm thế nào để nhiều bệnh nhân biết và tới thăm khám, điều trị bệnh tại BV là cả vấn đề thách thức lớn đối với những người làm lãnh đạo BV ngành như chúng tôi trong bối cảnh phải chủ động tự chủ…

Sau rất nhiều trăn trở, tôi và ban lãnh đạo BV quyết tâm chọn hướng đột phá trọng điểm bằng việc thành lập chuyên khoa hồi sức cấp cứu (trước đó BV chưa có). Việc lập chuyên khoa được xác định là mũi nhọn của BV này dựa trên việc tính toán BV nằm ở vị trí phía Nam của Thủ đô, nơi có mật độ giao thông ra vào TP lớn lên cũng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông. Rất nhiều vụ đã được đưa vào BV chúng tôi cấp cứu.

quote-3-2-1554 (anh 7.1)

Vì thế, thành lập khoa Hồi sức Cấp cứu là cách chúng tôi cho nhân dân thấy phong cách khám chữa bệnh chuyên nghiệp và hiệu quả của mình. Từ đó, “tiếp thị” tự nhiên nhất chất lượng dịch vụ của BV mình.

Song chúng tôi gặp khó khăn về nhân sự và cơ sở vật chất. Một yêu cầu đặt ra, nếu muốn tách khoa thì buộc phải có nhân lực có trình độ. Chúng tôi đã cử bác sĩ đi học để đến bây giờ, chúng tôi đã có một đội ngũ hoạt động ổn. Cùng với đó là tập trung đầu tư cơ sở vật chất cho chuyên khoa này.

Ngoài ra, chúng tôi mời bác sĩ của nhiều bệnh viện lớn xuống đi buồng, trao đổi chuyên môn để bác sĩ tại bệnh viện có cơ hội học hỏi, từ đó giúp bệnh viện phát triển.

Thực tế hiện nay, những nhóm bệnh chúng tôi hồi sức tích cực đạt hiệu quả tốt gồm suy hô hấp, suy tuần hoàn, sốc, lọc máu… Tất cả các trang thiết bị cấp cứu, hồi sức của chúng tôi không thua kém một bệnh viện Trung ương nào.

Chúng tôi vừa làm vừa tìm tòi, học hỏi, mãi rồi cũng ra được mô hình. Và hiện tại, khoa hoạt động rất hiệu quả, thậm chí một số bệnh viện tuyến trên còn chuyển người bệnh tới Khoa Hồi sức của chúng tôi để điều trị tiếp.

Đến nay, từ một bệnh viện chưa có chuyên khoa hồi sức cấp cứu, chúng tôi có 2 khoa riêng biệt, Khoa Hồi sức 25 giường và Khoa Cấp cứu 35 giường.

Cũng xin nói thêm là việc thành lập khoa Hồi sức, Cấp cứu là chìa khóa để tôi phát triển bệnh viện này như ngày hôm nay với quy mô hơn 500 giường bệnh.

Đi theo hướng Hồi sức cấp cứu là chỗ dựa cho các khoa phòng khác kiện toàn và phát triển theo như chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm…, giúp Bệnh viện chúng tôi phát triển, giúp tự tin hơn trong quá trình điều trị.

Ông vừa nói tới việc phát triển BV theo mô hình kiềng 3 chân trong việc tạo nguồn bệnh nhân, ông có thể nói rõ hơn?

– Theo kế hoạch, đến năm 2019, BV chúng tôi sẽ tự chủ toàn phần. Để phát triển BV thì có nhiều cách, trong đó BV tôi cũng như nhiều BV khác đang quan tâm đầu tư cung cấp dịch vụ y tế tốt nhất cho người bệnh. Dịch vụ tốt là phải nhanh, kịp thời, chu đáo, giá cả hợp lý.

Song như thế vẫn chưa đủ khi mà dịch vụ y tế ngày càng có sự cạnh tranh. Vì thế, ngoài việc phát triển khu vực khám dịch vụ theo yêu cầu, trong cung cấp dịch vụ, tôi đang yêu cầu các y bác sĩ quan tâm tới việc chăm sóc bệnh nhân sau điều trị.

Chỉ đơn giản là sau 1 tuần, 1 tháng điều trị ra viện của bệnh nhân, nhân viên y tế của viện nên gọi điện hỏi thăm sức khỏe người bệnh, để củng cố niềm tin và có được sự yêu quý của người bệnh, đó là cách tạo nguồn khách hàng ổn định và lâu dài.

Đồng thời, tôi tổ chức làm thêm giờ vào sáng thứ 7 để giảm tình trạng quá tải và tăng chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. Thời gian đầu thực hiện khám bệnh vào thứ 7, giá dịch vụ y tế vẫn giữ như ngày thường.

Nếu các phòng bệnh đông bệnh nhân, tôi yêu cầu khoa cử thêm bác sĩ ứng trực, kể cả ngày cuối tuần để không gây ra tình trạng quá tải.

Đồng thời, tôi đang cho xúc tiến mô hình bác sĩ gia đình đã được nhiều nước có nền y tế tiên tiến triển khai hiệu quả.

Như vậy, kết hợp với hồi sức cấp cứu sẽ tạo thành 3 chân kiềng vững chắc trong việc tạo nguồn bệnh nhân, giúp bệnh viện phát triển vững chắc hơn nữa.

phen-anh-2-1546 (anh 8)

Theo Gia đình mới (Lý Lĩnh, Hồng Hải, Lam)

Các tin liên quan