Bệnh án số 1:
Bệnh nhân nam 72 tuổi, vào viện ngày 15/01/2016 vì đau bụng vùng thượng vị, nôn nhiều, ăn không tiêu.Tiền sử điều trị cao huyết áp
Bệnh nhân xuất hiện đau bụng âm ỉ vùng thượng vị khoảng 1 tháng nay, đau tăng dần kèm theo ăn vào thấy đầy bụng, chậm tiêu, mấy ngày trước khi vào viện đau bụng nhiều hơn, nôn, đại tiểu tiện bình thường.
Khám bệnh thấy: BN tỉnh, da và niêm mạc bình thường, không có xuất huyết dưới da. Bụng chướng nhẹ vùng thượng vị, khối vùng thượng vị lệch phải không rõ ranh giới, không di động, đau nhẹ, hai hố chậu mềm.
Các xét nghiệm đã có:
– XN máu: trong giới hạn bình thường
– Siêu âm bụng: ổ bụng có dịch ở khoang gan thận, hố chậu 2 bên, khối giảm âm vùng đầu tụy, theo dõi nang giả tụy chảy máu ( thân và đuôi tụy bình thường).
– CT ổ bụng: Hình ảnh dịch ổ bụng, khối giảm tỷ trọng vùng đầu tụy-tá tràng kt 60×55mm, từ D1- D3 tá tràng, chưa loại trừ u đầu tụy chảy máu.
– Nội soi DD -TT: Khối đẩy vào lòng gây hẹp tá tràng, nghi u tá tràng.
BN được hội chẩn mổ kế hoạch với chẩn đoán nang giả tụy chảy máu.
Mở vào ổ bụng thấy ổ bụng có khoảng 200ml máu nâu đen, toàn bộ cuống gan, gốc động mạch mạc treo tràng trên, phúc mạc thành bên phải ngấm máu, tá tràng bị đẩy phồng ra phía trước, khối màu nâu đen phía đầu tụy, ôm xung quanh cả D1-D4 tá tràng, gan mật, thân và đuôi tụy, các tạng khác bình thường.
Làm thủ thuật Kocher thấy nang có kích thước 8×6cm ôm xung quanh tá tràng, nang chứa đầy máu nâu đen, tá tràng bị ép xẹp trong nang máu, thành tá tràng viêm mủn dễ chảy máu. Tiến hành mở thành nang, lấy hết máu cục, làm sạch. Kiểm tra tổn thương biệt lập hoàn toàn với tụy, nằm ngoài lớp cơ tá tràng, thành tá tràng viêm, rỉ rả chảy máu, nguy cơ rò tá tràng, quyết định nối vị tràng và đặt dẫn lưu cạnh đầu tụy, dưới gan. Diễn biến hậu phẫu hoàn toàn bình thường, bệnh nhân ăn trở lại vào ngày thứ 3 sau mổ, các xét nghiệm máu và siêu âm ổ bụng kiểm tra lại không có bất thường. Bệnh nhân ra viện sau 07 ngày với kết quả tốt.
Bệnh án số 2:
Bệnh nhân nam 36 tuổi, vào viện ngày 05/02/2016 vì đau bụng vùng thượng vị và hạ sườn phải, nôn nhiều, ăn không tiêu.Tiền sử nghiện rượu.
Bệnh nhân xuất hiện đau bụng âm ỉ vùng thượng vị khoảng 10 ngày nay, đau tăng dần kèm theo ăn vào thấy đầy bụng, chậm tiêu, mấy ngày trước khi vào viện đau bụng nhiều hơn, nôn, không sốt.
Khám bệnh thấy: BN tỉnh, da và niêm mạc hơi nhợt, không có xuất huyết dưới da. Bụng chướng chủ yếu vùng thượng vị, khối vùng thượng vị lệch phải không rõ ranh giới, kt khoảng 8×12cm, không di động, đau nhẹ.
Các xét nghiệm đã có:
– XN máu: thiếu máu nhẹ
– Siêu âm bụng: ổ bụng có dịch ở khoang gan thận, hố chậu 2 bên, xen giữa các quai ruột,dịch không đồng nhất, khối giảm âm vùng đầu tụy, theo dõi nang giả tụy chảy máu.
– CT ổ bụng: Hình ảnh dịch ổ bụng, khối giảm tỷ trọng vùng đầu tụy-tá tràng kt 58.5×101mm, từ D1- D3 tá tràng, chưa loại trừ u đầu tụy chảy máu.
– Nội soi dạ dày tá tràng: hẹp tá tràng, nghi u tá tràng.
BN được hội chẩn mổ kế hoạch, do mới gặp một bệnh nhân tương tự nên cũng nghĩ đến nang đầu tụy chảy máu, tuy nhiên chưa loại trừ nang giả tụy chảy máu.
Mở vào ổ bụng thấy tổn thương tương tự trường hợp số 1, tuy nhiên nang có kích thước lớn hơn, khoảng 10×12cm, đã vỡ chảy máu trong ổ bụng, ổ bụng có khoảng 600ml máu nâu đen, trong nang toàn máu cục khoảng 300g.
Cách thức xử trí tương tự trường hợp số 1.
Diễn biến hậu phẫu hoàn toàn bình thường, bệnh nhân ăn trở lại vào ngày thứ 3 sau mổ, các xét nghiệm máu và siêu âm ổ bụng kiểm tra lại không có bất thường, tuy nhiên bệnh nhân vẫn ăn kém, cảm giác chậm tiêu. Bệnh nhân ra viện sau 10 ngày điều trị với kết quả tốt.
Nguồn: TS Lương Công Chánh
Khoa Ngoại tổng hợp BVĐK Nông Nghiệp