Vào ngày 16/03/2019, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp đã tiếp nhận bệnh nhân nam, 14 tuổi với triệu chứng đau sưng bẹn bìu trái nhiều, đi lại khó khăn. Tinh hoàn trái to, căng, chắc, màu xanh tím, sờ đau nhiều, không sờ được mào tinh, không bấu được màng tinh hoàn. Tinh hoàn phải mềm, sờ không đau, sờ được mào tinh, bấu được màng tinh hoàn.
Hình ảnh tinh xoắn tinh hoàn trái
Cách vào viện 06 ngày bệnh nhân đột ngột đau dữ dội vùng bẹn bìu trái, không có yếu tố chấn thương. Gia đình đưa đi khám tại phòng khám tư 02 lần, bệnh viện tuyến huyện 01 lần và cả 3 lần đều chẩn đoán Viêm tinh hoàn trái, được kê đơn thuốc (kháng sinh, giảm đau, giảm nề) và cho về nhà theo dõi. Đến ngày thứ 6 trẻ uống thuốc không đỡ, đau sưng bìu trái to lên nhiều, sốt cao 39°C gia đình cho con lên Bệnh viện đa khoa nông nghiệp khám. Bệnh nhân được hội chẩn giữa Bác sỹ khoa Cấp Cứu và khoa Ngoại Tổng hợp, được chẩn đoán xác định là xoắn tinh hoàn trái giai đoạn muộn. Bệnh nhân được Bs.CKI Nguyễn Thanh Tùng phó trưởng khoa và Bs Lương Thành Đạt tiến hành phẫu thuật cắt tinh hoàn trái, cố định tinh hoàn phải vào 21h40 ngày 16/03/2019.
Hình ảnh Phẫu thuật xoắn Tinh hoàn
Ngày thứ 3 sau mổ bẹn bìu 2 bên còn nề nhẹ, đại tiểu tiện bình thường, dịch thấm băng ít, đau ít tại vết mổ. Hiện tại, Bệnh nhân đã ổn định. Xoắn tinh hoàn là trường hợp khẩn cấp nên phải nhanh chóng phát hiện bệnh và điều trị kịp thời. Việc điều trị kịp thời bằng phẫu thuật có thể phòng ngừa những biến chứng nghiêm trọng như hoại tử tinh hoàn. Tháo xoắn bằng tay: một số trường hợp thầy thuốc có thể sử dụng phương pháp này. Tuy nhiên, để phòng ngừa bệnh tái phát, tốt nhất vẫn nên phẫu thuật để điều trị. Phẫu thuật tháo xoắn tinh hoàn là phẫu thuật ít phức tạp và ít xâm lấn.