Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2: Có tài và say nghề, ngày hái quả ngọt sẽ rất gần

27/02/2020 Lúc 10:32sáng Người đăng: JK Nguyễn

Ông Hà Hữu Tùng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, nói về những tâm tư trong nghề và nhắn nhủ thế hệ bác sỹ trẻ.

1706-bs-tung-bv-nn-1132_20200226_974-121214

“Tôi đang chờ vài phút nữa để ký quyết định triển khai Bệnh án điện tử từ ngày 1/3 tới đây, thay thế bệnh án giấy, nhằm tăng hiệu quả điều trị và tăng an toàn cho người bệnh”, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp tự hào kể chuyện với chúng tôi.

PGS.TS – Thầy thuốc Nhân dân Hà Hữu Tùng cho biết, đây sẽ là bệnh viện đầu tiên của Hà Nội và thứ 6 toàn quốc áp dụng bệnh án điện tử.

Theo ông, từ nay trở đi bệnh nhân chỉ việc gọi điện đặt chỗ khám, khoảng thời gian sẽ đến khám mà không phải chờ đợi. Sau khi khám, thuốc và viện phí đều cập nhật trên mạng, bệnh nhân chỉ việc mang mã số đến để thanh toán.

Hai cơ sở khám chữa bệnh khang trang, được trang bị máy móc hiện đại, y bác sỹ nhiệt tình, chắc xuất phát điểm của bệnh viện phải “khỏe” lắm?

Từ những năm 1988 – 1989, được sự cho phép của cơ quan chủ quản, bệnh viện được tiếp nhận thêm nhiều đối tượng ngoài ngành nông nghiệp, là nhân dân các vùng lân cận.

Ban lãnh đạo bệnh viện đã họp bàn để tìm phương án tốt nhất. Bồi dưỡng cán bộ, nâng cấp cơ sở vật chất khám chữa bệnh nhằm thu hút bệnh nhân là một trong những mục tiêu hàng đầu bệnh viện cần phải áp dụng ngay. 

Năm 2006, từ bệnh viện hạng 3 chỉ với 150 giường bệnh chúng tôi đã lên bệnh viện hạng 2 với 170 giường bệnh. Năm 2013 lên bệnh viện hạng 1 và năm 2014 thì đạt 520 giường bệnh, 29 khoa, 6 phòng và 2 trung tâm. Tổng số cán bộ hiện xấp xỉ 600 người.

UntitledghhhBS. Hà Hữu Tùng đang thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Phạm Hiếu.

Nỗ lực vươn lên của cán bộ y bác sỹ cùng với đường hướng phát triển đúng đắn đã mang lại thành quả. Giám đốc phải là người xuất sắc nhất?

Tôi chưa bao giờ nghĩ đến từ xuất sắc nhất.

Với hàng loạt danh hiệu như Thầy thuốc Nhân dân (năm 2017); Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2016); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Chiến sĩ thi đua toàn quốc (năm 2014); Bằng khen thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 – 2016 không làm ông thấy mình xứng đáng hay sao?

Tôi nghĩ đơn giản, tất cả chỉ là kết quả của chuỗi việc làm của tôi và tập thể bệnh viện. Còn cá nhân, tôi chỉ nhận mình là người say nghề, cho đến giờ vẫn say.

Một bác sỹ say nghề thì cái tài và cái đức, cái nào cần nhiều hơn, thưa ông?

Nếu một bác sĩ có tài, tay nghề giỏi, chữa bệnh tốt nhưng mặt lúc nào cũng khó đăm đăm, không có cái tâm thì chưa chắc bệnh nhân sẽ chấp nhận. Còn bác sĩ chỉ ân cần mà lại chữa không đúng bệnh thì bệnh nhân nặng nhanh hơn. Vì vậy, tài và đức không cái nào quyết định cái nào cả mà cả hai phải tồn tại song hành.

Mấy chục năm làm việc, đã bao giờ ông có cảm giác mình đã đi nhầm hướng không?

Có chứ. Đó là lúc dư luận xã hội chĩa súng vào ngành y thì tôi cực chán nản. Tất cả kênh thông tin đều đưa tiêu cực trong ngành y; rồi người nhà vào bệnh viện sẵn sàng hành hung y bác sĩ mà chúng tôi không hề có ai được bảo vệ. Họ có biết rằng ngành y rất vất vả mà đâu có y bác sỹ nào dám kêu ca. Thế mà chỉ vì chú tâm suy nghĩ về bệnh hay mải nghĩ sẽ khám bệnh như thế nào mà họ bị hành hung thì quả thật quá buồn.

Trong ngày vinh danh nghề Thầy thuốc 27/2 này, ông có lời nhắn nhủ gì đến thế hệ bác sỹ trẻ hiện nay?

Nghề y cũng như bao ngành nghề khác, có lúc thuận buồm xuôi gió nhưng cũng có lúc gặp sóng to biển động. Đã theo nghề thì phải biết vượt qua tất cả. Và, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì phải luôn giữ cái tâm và say nghề. Tôi tin, nếu anh giỏi, anh có tài thì ngày anh được hái quả ngọt là rất gần.

Xin cảm ơn bác sĩ. Chúc ông cùng tập thể Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp ngày một vững tay nghề và đạt nhiều thành công!

 Nguồn: Tố Như (Báo Nông nghiệp Việt Nam)

Các tin liên quan