ĐỔI MỚI PHONG CÁCH – THÁI ĐỘ PHỤC VỤ BỆNH NHÂN: NÊN BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU???

15/08/2016 Lúc 8:46sáng Người đăng: Phạm Thị Thu Hà

image

      Nếu bạn là bệnh nhân, bạn muốn bác sỹ khám một cách kỹ càng, hỏi bệnh tật của bạn một cách chi tiết, giải đáp một cách cặn kẽ và hướng dẫn một cách tận tình.

      Nếu bạn là bệnh nhân, bạn muốn được nghe những lời yêu thương, nhẹ nhàng quan tâm từ phía các y bác sỹ ngay từ lúc mới nhập viện, trong khi nằm viện và ra về. Đó không phải là “sự đòi hỏi” mà là quyền “được yêu cầu phục vụ”.

     Ai cũng biết, tùy theo lượng bệnh nhân, áp lực công việc mà “quyền được yêu cầu phục vụ” được đáp ứng ít hay nhiều. Đôi lúc bạn giận dữ, đôi lúc bạn không kiềm chế mà quát tháo thì không có nghĩa là bạn có quyền được nóng nảy. Bệnh nhân đau đớn, khổ sở nằm trên giường bệnh đang mong được sự cảm thông, đang chờ sự cứu giúp từ bạn nhưng những tiếng quát tháo, những tiếng nặng lời, những câu nói không chủ ngữ của bạn làm họ bệnh nặng thêm đấy. Như thế là tàn nhẫn!

    Tôi không nghĩ rằng việc nói trống không, kiểu như “còn đau không?”, “ngủ được không?”, “ăn uống làm sao?”, “người nhà ra ngoài”…sẽ làm cho bác sỹ tài hơn, giỏi hơn, điều dưỡng khéo tay hơn. Bạn có quyền bộc lộ tài năng của mình vào công việc khám chữa bệnh, chăm sóc và điều trị để nhận được kết quả đầu ra là bệnh nhân khỏi bệnh, người nhà vui mừng. Không thầy thuốc nào muốn bệnh nhân ra về trong tiếng gào khóc của người nhà , bằng tấm vải trắng phủ kín khuôn mặt bệnh nhân. Tất nhiên! Cho dù phương tiện kỹ thuật và tay nghề của bạn có cao đến mấy thì cũng có những ca không thể qua khỏi, nhưng chính lòng trắc ẩn, thiện chí của bạn giúp cho bệnh nhân và người nhà họ cảm thông, cảm phục và trân trọng bạn. Ai đó nói rằng: “Với thế giới, bạn chỉ là một người nhưng với một người, bạn có thể là cả thế giới”.

image (5)
Thư cảm ơn của bà Đinh Thị Lâm gửi lời cảm ơn sâu sắc tới toàn thể bệnh viện – đặc biệt là Khoa Gây mê hồi sức.

image (4)
Thư cảm ơn của bà quả phụ Hoàng Thị Xiêm – gửi tới khoa Hồi sức tích cực và khoa Thận niệu lọc máu.

       Bộ Y tế đang triển khai thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Trong đó, yêu cầu tất cả cán bộ y tế phải “văn minh – thân thiện”, coi bệnh nhân là “khách hàng” để hướng tới phục vụ như “thượng đế”.
Bác Hồ dạy “coi bệnh nhân như người thương yêu ruột thịt của mình”. Bạn đang hành nghề Y – bạn có thuộc lời dạy ấy không? Tôi có thể nói bạn thuộc nhưng bạn đã thực hành được bao nhiêu lần. Hãy bắt đầu làm từ những việc nhỏ nhất như trong giao tiếp hàng ngày với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân chẳng hạn. Văn minh và thân thiện chắc không khó lắm đâu!!!

Nguồn tin: Nguyễn Thị Vân Anh – Phòng Quản lý chất lượng

Các tin liên quan