CHỮA ĐAU VAI GÁY BẰNG PHƯƠNG PHÁP Y HỌC CỔ TRUYỀN

02/04/2021 Lúc 2:27chiều Người đăng: Phạm Hồng Anh

Đau vai gáy là tình trạng cơ vùng vai gáy co cứng gây đau, kèm theo các hạn chế vận động khi quay cổ hoặc quay đầu. Bệnh thường xuất hiện vào buổi sáng và có liên quan chặt chẽ đến hệ thống cơ xương khớp, thần kinh và mạch máu vùng vai gáy. Đau vai gáy thường không quá nguy hiểm tuy nhiên nó gây ra nhiều bất tiện trong sinh hoạt và giảm chất lượng cuộc sống.

Woman with pain in her back and neck on white background

Nguyên nhân gây ra đau vai gáy có rất nhiều, thường gặp nhất là thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, co cứng cơ… tuy nhiên có thể gặp ở bệnh thiểu năng vành hay u phổi. Đau vai gáy có thể xuất hiện vào sáng sớm hay sau khi lao động nặng, tăng lên khi vận động, ho, hắt hơi, giảm khi nghỉ ngơi tùy vào nguyên nhân.

Các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh đau cổ vai gáy như:

  • Những người làm công việc văn phòng, lái xe, lao động nặng thường mắc phải bệnh này.
  • Những đối tượng bị tác động từ bên ngoài, các tác động bệnh lý bên trong cơ thể như những người bị thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm, lao, ung thư vùng cổ cũng là nguyên nhân trực tiếp gây ra đau mỏi vai gáy triền miên cho người bệnh.
  • Những người bị bị dị tật bẩm sinh vùng cổ, gáy, do thay đổi thời tiết.

Phân loại:

Bệnh đau vai gáy cấp tính:

Căn bệnh này thường do các nguyên nhân cơ học gây ra. Đây là một trong những lý do gây bệnh thường gặp nhất. Nhóm nguyên nhân cơ học bao gồm: ngồi một chỗ quá lâu, thói quen gối đầu cao khi ngủ, nằm nghiêng, ngồi làm việc trước quạt, điều hòa lâu ngày,… Những yếu tố này có thể làm giảm sự cung cấp oxy cho các tế bào cơ, khí huyết không được lưu thông, gây thiếu máu cục bộ ở các cơ, dẫn đến đau mỏi vai gáy hoặc viêm vai gáy do các chấn thương đột ngột gây ra các cơn co cơ bất chợt.

Bệnh đau vai gáy mạn tính:

Bệnh xảy ra có tính chất thường xuyên, các vùng vai gáy gần như lúc nào cũng mỏi. Nguyên nhân chính gây bệnh là do thoái hóa hoặc thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ, làm hẹp lỗ tiếp hợp, chèn ép các rễ, dây thần kinh cột sống cổ, dẫn đến đau mỏi các vùng vai gáy, cổ, lan xuống bả vai, cánh tay,…Bên cạnh đó, bệnh đau vai gáy mạn tính còn do nguyên nhân tuổi tác. Từ trung niên, do quá trình lão hóa, hệ mạch máu bị giảm đàn hồi, dẫn đến việc lưu thông máu và oxi trong cơ thể bị suy giảm, thiếu máu ở các cơ, gây ra các cơn đau cơ, đau mỏi phần vai gáy kéo dài. Ngoài ra, bệnh còn có thể bị trầm trọng hơn khi thời tiết trở lạnh. Nguyên nhân là do khi nhiệt độ giảm, cơ thể yếu có thể bị nhiễm lạnh đột ngột, khí huyết ứ trệ, lượng oxi cung cấp cho máu bị giảm sút. Điều này gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ ở các cơ dẫn đến đau nhức. Đây chính là lý do tại sao khi thời tiết thay đổi, những người mắc các bệnh về cơ xương khớp thường bị đau, khó chịu.

Bệnh đau cổ vai gáy nếu không được điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, ăn uống và giấc ngủ của người bệnh.

Trong Y học cổ truyền, đau vai gáy thuộc phạm vi chứng tý có bệnh danh là lạc chẩm, đầu hạng nếu có tê bì co thêm bệnh danh ma mộc…Nguyên nhân do phong hàn thấp, do khí trệ huyết ứ sau vận động sai tư thế hoặc do thấp nhiệt.

Y học cổ truyền cũng chia 3 thể theo nguyên nhân và điều trị dùng các phương pháp như điện châm, thuỷ châm, cứu ngải, giác hơi, xoa bóp bấm huyệt, thuốc dùng ngoài/ thuốc uống theo từng thể:

  • Đau vai gáy do lạnh:

Pháp điều trị: Khu phong tán hàn, ôn thông kinh lạc

Thuốc có thể dùng bài Ma hoàng quế chi thang gia giảm

Ma hoàng        Phòng phong        Cam thảo

Quế chi            Bạch chỉ               Sinh khương         Đại táo

Nếu co cứng cơ nhiều gia cát căn

Nếu thể mạn tính có can thận hư dùng bài quyên tý thang gia giảm:

Khương hoat   độc hoạt               Đương quy           Cam thảo

Quế chi            Tần giao               Xuyên khung        Mộc hương

Tang chi          hải phong đằng    Nhũ hương

Châm cứu: Ôn điện châm: A thị, Phong trì, thiên trụ, phong môn, kiên tỉnh, ngoại quan, lạc chẩm cùng bên.

Có thể cứu ngải các huyệt trên.

Xoa bóp bấm huyệt: Dùng các thủ thuật xát, day, lăn, bóp, bấm, vận động.

Đặc biệt có thể bấm huyệt Lạc chẩm và kết hợp vận động cổ gáy cũng thu được hiệu quả tốt.

Thuỷ châm vitamin B1,B6,B12 vào các huyệt bên vai gáy bị đau

  • Đau vai gáy do khí trệ huyết ứ:

Pháp: Hoạt huyết tiêu ứ, thư cân hoạt lạc

Thuốc có thể dùng đại hoạt lạc đan gia giảm

Hoặc dùng ngải cứu sao rượu chườm vào chỗ đau

Dùng cồn/ rượu thuốc xoa bóp tại chỗ

Các phương pháp châm cứu, xoa bóp bấm huyệt như thể đau vai gáy do lạnh.

  • Đau vai gáy do thấp nhiệt ( viêm nhiễm):

Pháp: Khu phong, thanh nhiệt giải độc, hành khí hoạt huyết

Đối với thể này không nên xoa bóp bấm huyệt.Châm cứu dùng theo phương huyệt: A thị, đại chuỳ, phong môn, hợp cốc, tam lý, huyết hải. Châm tả

Thuốc có thể dùng bài Quế chi thược dược tri mẫu thang gia vị.

Quan trọng là bệnh có thể tái phát nên có cách phòng tránh và luyện tập thường xuyên nâng cao hiệu quả điều trị cũng như tránh tái phát.

  • Phòng tránh đau vai gáy:

– Có chế độ tập luyện thể dục thể thao phù hợp, lựa chọn các bài tập vừa sức, phù hợp với sức khỏe của bản thân.

– Cần có chế độ làm việc hợp lý, nên vận động và nghỉ giải lao khi ngồi lâu.

– Có tư thế đúng khi ngồi đọc sách, học bài, đánh máy, cổ luôn thẳng, không cúi gập cổ quá lâu.

– Có chế độ dinh dưỡng phù hợp, cần ăn đủ chất, bổ sung một số khoáng chất thiết yếu cho cơ thể như: như canxi, kali, các vitamin nhóm B, C, E,…

Để phòng tránh đau vai gáy thì bạn nên chú ý cả tư thế ngủ cũng như cách ngủ của mình.

Khi ngủ chúng ta thường có 3 tư thế:

Nằm ngửa: thông thường nhất. Khi đó cột sống chịu ít áp lực và chèn ép nhất. Tuy nhiên một số người có thói quen nằm gối cao đã làm gấp cổ làm mất đường cong sinh lý, chèn ép và gây căng, đau vùng cổ gáy. Hoặc nằm đệm quá mềm hay quá cứng mà cột sống bị cong võng xuống hay trồi lên gây hậu quả tương tự.

Nằm nghiêng: Tư thế này chúng ta cũng thường thay đổi hoặc bên phải, hoặc bên trái xen kẽ với nằm ngửa. Tư thế này cũng dễ gây cho chúng ta lệch vẹo cột sống không chỉ vùng cổ mà cả vùng lưng nữa Do đó, để phòng tránh chúng ta nên nằm đệm có độ cứng vừa phải, dùng gối có chiều cao tương đương khoảng cách từ đầu vai đến cổ và nên có 1 gối ôm để tránh tỳ đè.

Nằm sấp: Tư thế xấu nhất khi ngủ tuy nhiên đôi khi chúng ta lại nằm theo tư thế này. Nếu có bạn hãy từ bỏ thói quen này và chuyển sang hai tư thế ngủ ở trên nhé.

 Nguồn tin: Ths.BS Trương Thành An – Phó Trưởng khoa Y học Cổ truyền

Các tin liên quan