Hiện nay, dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp. Bên cạnh các biện pháp dự phòng lây nhiễm theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới, việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ và duy trì một lối sống tích cực, lành mạnh đóng vai trò hết sức quan trọng giúp nâng cao miễn dịch để có một sức khỏe tốt phòng chống lại dịch bệnh.
Dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong việc điều hòa hệ miễn dịch của cơ thể. Dinh dưỡng cung cấp các nguyên liệu cho cơ thể con người, tạo ra hệ miễn dịch, do đó chúng ta cần thường xuyên thực hiện chế độ ăn uống khoa học, hợp lý và lối sống lành mạnh, trong đó có tập luyện thể lực đều đặn. Không có loại thực phẩm nào có thể ngay lập tức nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể.
Cụ thể, Bộ Y Tế khuyến cáo người dân nên áp dụng theo công thức dinh dưỡng 4-5-1 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia:
(Ảnh nguồn Bộ Y Tế)
- Số 4: là chế độ ăn cân đối 4 yếu tố: Cân đối giữa 3 nhóm chất sinh năng lượng; cân đối về protein (giữa đạm động vật và thực vật); cân đối về lipid (giữa lipid động vật và lipid thực vật); cân đối về vitamin và khoáng chất.
Do đó, để đạt được sự cân đối giữa 3 nhóm chất sinh năng lượng thì lượng chất đạm (protein) phải đạt từ 13-20%; chất béo (lipid) từ 20-25% và tinh bột (carbohydrate) từ 55-65% trong bữa ăn hằng ngày.
- Số 5: để đảm bảo tính đa dạng của bữa ăn cần phải có ít nhất 5/8 nhóm thực phẩm. Các nhóm bao gồm:
- Nhóm lương thực (gạo, mì) là thức ăn cơ bản và cũng là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho cơ thể.
- Nhóm các loại hạt (đậu, đỗ, vừng, lạc,…) là nguồn cung cấp chất đạm thực vật cho cơ thể.
- Nhóm sữa và các sản phẩm từ sữa là nguồn cung cấp chất đạm động vật và canxi quan trọng cho cơ thể.
- Nhóm thịt các loại, cá, hải sản. Nhóm này cung cấp chất đạm động vật, đặc biệt các axít amin cần thiết mà cơ thể người không tự tổng hợp được; (Cá nên có mặt trong bữa ăn ít nhất 2 lần/tuần. Vì trong cá giàu vitamin A và omega-3 đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch đường hô hấp. Có thể dùng viên dầu cá uống bổ sung hàng ngày. Ngoài ra, các loại hải sản còn là nguồn cung cấp kẽm rất tốt cho hệ miễn dịch của cơ thể, phòng bệnh nhiễm trùng.)
- Nhóm trứng và các sản phẩm của trứng là nguồn cung cấp chất đạm động vật và nhiều chất dinh dưỡng quý cho cơ thể.
- Nhóm củ quả màu vàng, da cam, màu đỏ (cà rốt, bí ngô, gấc, cà chua) hoặc rau tươi có màu xanh thẫm là nguồn cung cấp vitamin và chất khoáng chủ yếu cho cơ thể. Loại rau càng sẫm màu càng có giá trị dinh dưỡng với cơ thể.
- Nhóm rau củ quả khác (su hào, củ cải…) cung cấp vitamin, chất khoáng và chất xơ.
- Nhóm dầu ăn, mỡ các loại là nguồn cung cấp năng lượng và các axít béo cần thiết cho cơ thể.
- Số 1: Một bữa ăn hoặc dinh dưỡng trong một ngày cần sự hài hòa giữa các nhóm chất và thực phẩm. Mỗi bữa phải đảm bảo đa dạng, cân đối, không kiêng khem hay sử dụng quá nhiều bất kỳ thực phẩm nào.
Lưu ý:
- Đối với người cao tuổi, trẻ nhỏ, người mắc bệnh mạn tính – đối tượng nguy cơ cao nhất trong mùa dịch, cần được cung cấp đủ thực phẩm: Chế độ ăn đủ năng lượng, các chất dinh dưỡng, tránh sụt cân, suy dinh dưỡng và tuân thủ chế độ dinh dưỡng đã được chỉ định phù hợp tình trạng bệnh lý.
- Uống nhiều nước (2-2.5lít), đặc biệt là nước ấm, uống nhiều lần trong ngày.
- Hạn chế đồ dầu mỡ, đồ chiên rán, đồ ngọt: Những thực phẩm này cung cấp nhiều năng lượng, nhưng gây đầy bụng khó tiêu, không cung cấp đủ đạm và các vitamin cần thiết cho hệ miễn dịch của cơ thể.
- Hạn chế bia rượu, chất kích thích ảnh hưởng xấu đến sức đề kháng.
Trong điều kiện giãn cách xã hội hiện nay, chỉ được ra đường khi thực sự cần thiết nên việc tích trữ nhiều thực phẩm là rất phổ biến, vì vậy nên chú ý việc lựa chọn và sử dụng thực phẩm đảm bảo an toàn kể cả đồ tươi sống và thực phẩm công nghiệp. Thực hiện ăn chín, uống sôi. Để riêng thực phẩm sống, chín. Trong đó, khi lựa chọn thực phẩm công nghiệp, nên:
+ Chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có công bố chất lượng đầy đủ.
+ Đọc kỹ thông tin về giá trị dinh dưỡng của thực phẩm trên bao bì.
+ Chọn sản phẩm có bao bì rõ thông tin thành phần nguyên liệu và hạn sử dụng.
+ Quy trình sản xuất minh bạch đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
+ Không nên tích trữ nhiều để luôn sử dụng được sản phẩm tươi mới.
Chúng ta đã biết rằng những người thừa cân hoặc béo phì có nhiều nguy cơ mắc một số bệnh như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường type 2 … Một số khảo sát gần đây cho thấy rằng những người thừa cân, có bệnh nền thường có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng hơn hoặc tử vong do COVID-19. Vì vậy, việc ăn uống hợp lý, tránh xa lối sống tĩnh tại để duy trì cân nặng hợp lý là rất quan trọng. Mỗi người nên luyện tập tại nhà ít nhất 30 phút/ngày, như đi bộ/leo cầu thang trong nhà, yoga, aerobic, tập tạ, chống đẩy, dưỡng sinh,…
Đinh Ngân, Khoa Tiết chế – Dinh Dưỡng.