Chấn thương bụng kín là chấn thương gây tổn thương thành bụng và các tạng trong ổ bụng nhưng không thủng phúc mạc. Tạng thường bị tổn thương là lách, gan, thận, ruột non, bàng quang, ruột già, cơ hoành, tuỵ. Một tỉ lệ không nhỏ các chấn thương bụng phải phẫu thuật để xử trí, nhưng hiện nay với phương pháp ít xâm lấn ( xâm lấn tối thiểu) đã mở ra cơ hội vàng để chẩn đoán và điều trị có chất lượng cao nhất và rủi do thấp nhất.
Ngày 18/5 vừa qua, các bác sĩ Khoa Ngoại Tổng Hợp và Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa Khoa Nông Nghiệp vừa thực hiện thành công ca cấp cứu chấn thương gan gây mất máu cấp, có nguy cơ tử vong cao nếu không được can thiệp kịp thời. Bệnh nhân được cầm máu kịp thời bằng kỹ thuật can thiệp mạch ít xâm lấn nút tắc chọn lọc nhánh động mạch gan bị vỡ, giúp bệnh nhân vượt qua “cửa tử”.
Bệnh nhân nam, 31 tuổi, vào viện sau TNLĐ, bị khúc gỗ đập vào vùng bụng- ngực, sau tai nan, bệnh nhân đau nhiều vùng hạ sườn phải, thượng vị (vị trí tưng ứng của gan). Bệnh nhân vào viện trong tình trạng sốc mất máu ( Kích thích, mạch nhanh ( 100 l/p), huyết áp tụt (80/50 mmHg), da niêm mạc nhợt, đau nhiều vùng hạ sườn phải). Bệnh nhân được làm các xét nghiệm và chụp CLVT thấy hình ảnh ổ đụng dập gan ~ 6cm, có điểm chảy máu đang hoạt động. Chẩn đoán: Shock chấn thương do chấn thương bụng kín- vỡ gan độ IV.
Hình ảnh chụp CLVT: hình ảnh chấn thương gan hạ phân thuỷ VI, có điểm chảy máu đang hoạt động
Với sự kết hợp của hai khoa Ngoại Tổng Hợp và Chẩn Đoán Hình Ảnh, các bác sĩ đã hội chẩn và thống nhất phương pháp điều trị cho bệnh nhân là “Nút mạch cầm máu cấp cứu số hoá xoá nền (DSA)”. Ngay lập tức, bệnh nhân được đặt Catheter tĩnh mạch trung tâm, bù dịch, hồi sức, và chuyển xuống phòng can thiệp mạch. Kíp can thiệp mạch cấp cứu đã chụp và nút mạch thành công bằng keo sinh học (histoacryl), ca can thiệp chỉ kéo dài 20 phút. Ngay sau khi nút, tình trạng huyết động của bệnh nhân ổn định trở lại ngay, bệnh nhân thoát Shock, và chuyển về khoa Ngoại Tổng Hợp điều trị tiếp, ngay ngày hôm sau BN được chụp CLVT đánh giá lại thì vị trí chảy máu đã cầm máu hoàn toàn.
Hình ảnh chụp mạch dưới máy DSA số hoá xoá nền ( trước và sau can thiệp)
Hiện tại 1 tuần sau nút mạch, tình trạng bệnh nhân đã hoàn toàn ổn định, và tiếp tục được điều trị và theo dõi.
Kíp can thiệp
Theo BSCKII. Nguyễn Thanh Tùng – Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp: trước đây với tình trạng chấn thương nặng, có Shock thì chỉ định tuyệt đối là phẫu thuật, mở bụng và tuỳ theo tổn thương, có thể khâu cầm máu hoặc cắt phần gan tổn thương, và quá trình hồi phục sau mổ rất nặng nề, nhưng hiện nay, sự phát triển của khoa học kỹ thuật nói chung và của Y học nói riêng, bệnh nhân được hồi sức tích cực đảm bảo huyết động ổn định và triển khai kíp can thiệp cấp cứu nhanh, từ đó bệnh nhân đã tránh được cuộc mổ vào bảo tồn được phần gan tổn thương chỉ với 1 vết chọc nhỏ tại động mạch đùi, và không cần phải gây mê. Bệnh nhân đã hồi phục rất nhanh sau khi can thiệp.
Bs Lương Thành Đạt – Bs Phạm Thị Ngọc Anh can thiệp : Với bệnh nhân này, vào viện đã trong tình trạng Shock, chúng tôi đã rất nhanh chóng, vừa hồi sức, vừa can thiệp cho bệnh nhân, khi chụp mạch thấy ổ tổn thương tại gan phải đang chảy máu rất mạnh và chúng tôi đã nút mạch siêu chọn lọc, bảo tồn tối đa các nhánh mạch không tổn thương. Vì vậy BN đã may mắn thoát khỏi cửa tử và phục hồi nhanh sau can thiệp.
Chụp và nút động mạch dưới máy chụp mạch số hóa xóa nền là kỹ thuật hiện đại, xâm lấn tối thiểu trong điều trị bệnh lý chấn thương, có tổn thương các mạch máu, ngoài ra đây cũng là phương pháp điều trị trong các bệnh lý về u khi không có chỉ định can thiệp bằng phẫu thuật hoặc tiến hành trước, sau phẫu thuật để điều trị kết hợp đa mô thức giúp nâng cao chất lượng điều trị và chất lượng sống cho bệnh nhân .
Hiện nay, Bệnh Viện Đa Khoa Nông Nghiệp đã đầu tư trang thiết bị hiện đại và các bác sỹ được đào tạo bài bản tại các trung tâm lớn trong cả nước và làm chủ trong các kỹ thuật điện quang can thiệp. Bệnh viện đã thực hiện các kỹ thuật thường quy, áp dụng cho rất nhiều các bệnh lý của các cơ quan bộ phận khác nhau như: chấn thương các tạng, chấn thương sọ não, chảy máu sinh dục, các bệnh lý về Ung bướu, u gan, u thận, u xơ tử cung, các can thiệp tiết niệu và đường mật …. và rất nhiều các bệnh lý khác giúp bệnh nhân tránh được các cuộc đại phẫu nguy hiểm, nâng cao tỉ lệ cứu sống người bệnh, giảm chi phí và thời gian nằm viện, nâng cao chất lượng cuộc sông cho bệnh nhân