Thủ đô Hà Nội đang trải qua những ngày nắng nóng cao điểm của mùa hè. Nhiệt độ cao cùng với đặc trưng khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm dễ dàng bùng phát thành dịch. Bên cạnh sốt xuất huyết, thủy đậu, bệnh tay chân miệng nổi cộm lên với sức lây lan mạnh và biến chứng nặng nề yêu cầu điều trị kịp thời, đúng đắn và tỉ mỉ. Từ đầu tháng 6 tới nay, khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Nông Nghiệp đã tiếp nhận và điều trị cho trên 50 trẻ mắc bệnh tay chân miệng. Đây là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do vi rút đường ruột gây ra. Biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời.
Bệnh tay chân miệng gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương. Bệnh có xu hướng tăng cao vào hai thời điểm từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm.
Hình ảnh tổn thương da và niêm mạc trong bệnh tay chân miệng
– Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị hỗ trợ.
– Theo dõi sát, phát hiện sớm, phân độ đúng và điều trị phù hợp.
Với trẻ có bị bệnh độ 1 (tổn thương da, niêm mạc và/ hoặc loét miệng) có thể điều trị tại nhà và tái khám 1-2 ngày trong 10 ngày đầu của bệnh. Việc theo dõi lúc này vô cùng cần thiết, cha mẹ cần đưa bé tái khám ngay khi có biểu hiện:
+ Sốt cao ≥ 39oC.
+ Thở nhanh, khó thở.
+ Giật mình, lừ đừ, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, nôn nhiều.
+ Đi loạng choạng.
+ Da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh.
+ Co giật, hôn mê.
Hình ảnh Bác sĩ đang thăm khám trẻ nhi điều trị bệnh tay chân miệng tại khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp
Nêu cao khẩu hiệu “ Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn dịch bệnh tay chân miệng nhờ những hành động nhỏ:
- Rửa tay thường xuyên (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, đảm bảo sử dụng nước sạch, không cho trẻ sử dụng chung đồ dùng sinh hoạt.
- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.
- Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất
Nguồn tin: BS. Mỹ Linh – Khoa Nhi