Loét hành tá tràng là bệnh lý thường gặp, nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây tai biến nguy hiểm, nhiều khi đe dọa đến tính mạng, nhất là với người nghiện rượu, xơ gan. Chúng tôi xin báo cáo một trường hợp biến chứng của loét tá tràng được cấp cứu kịp thời tại Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp.
Bệnh nhân Trần Huy L. 68 tuổi, vào viện cấp cứu ngày 13/2/2016 với lý do nôn máu đỏ tươi. Khám sơ bộ ban đầu thấy: bệnh nhân tỉnh, hốt hoảng, vã mồ hôi, chân tay lạnh, đau bụng thượng vị, nôn máu đỏ tươi số lượng nhiều, mạch nhanh, huyết áp 90/60mmHg. Chẩn đoán ban đầu xuất huyết tiêu hóa nặng nghi do loét dạ dày tá tràng. Bệnh nhân được truyền dung dịch cao phân tử, NaCl 0.9% và chỉ định nội soi dạ dày-tá tràng cấp cứu. Kết quả nội soi: xuất huyết tiêu hóa nặng do loét lớn xơ chai tá tràng, máu phun thành tia không cầm được qua nội soi. Bệnh nhân được chuyển vào khoa hồi sức cấp cứu trong tình trạng mạch nhanh nhỏ, khó bắt, huyết áp tụt. Hội chẩn ngoại khoa cấp cứu thấy: thể trạng bệnh nhân gày, da xanh tái, vã mồ hôi, mạch nhanh nhỏ, có lúc không bắt được, bụng chướng căng, sonde dạ dày ra máu đỏ tươi, số lượng hồng cầu, hemoglobin, hematocrit giảm rất thấp, nhóm máu O. Chẩn đoán xác định shock mất máu do xuất huyết tiêu hóa mức độ nặng không cầm máu được qua nội soi, có chỉ định mổ cấp cứu, vừa hồi sức tích cực vừa mổ, tiên lượng rất nặng. Vào ổ bụng thấy: dạ dày, các quai ruột dãn căng chứa đầy máu, ổ loét lớn xuất phát từ DI tới DII tá tràng ở về phía đổ vào của ống mật chủ, cứng chắc, toàn bộ tá tràng dãn căng. Quyết định mở phía bờ tự do của tá tràng (đối diện ổ loét), tổn thương sù sì, cứng chắc ngay sát Oddi, kích thước 6×8cm, máu phun thành tia. Tiến hành khâu cầm máu bằng 3 mũi chỉ Safil 3.0. Sau khi đã kiểm soát được tình trạng chảy máu, truyền máu cùng plasma, dung dịch cao phân tử, huyết áp bắt đầu cải thiện (90/60mmHg), tiến hành cắt 2/3 dạ dày cùng phần lớn ổ loét. Do ổ loét có kích thước lớn, ở vị trí không thể cắt bỏ hoàn toàn nên mỏm tá tràng được đóng kín và dẫn lưu chủ động bằng sonde Petzer 24F. Tổng lượng máu, plasma, khối tiểu cầu phải truyền trong và sau khi mổ là 14 đơn vị. Sau mổ bệnh nhân được điều trị tại khoa hồi sức tích cực trong 05 ngày, mạch, huyết áp ổn định trở lại, bỏ được máy thở. Sau 07 ngày xuất hiện hội chứng cai, bệnh nhân được tiếp tục điều trị cai rượu sau 01 tháng ra viện với tình trạng sức khỏe ổn định.
Đây là lần đầu tiên, tại Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, bằng sự phối hợp kịp thời của các khoa phòng ( cấp cứu ban đầu, nội soi cấp cứu, hồi sức tích cực, ngoại khoa, gây mê hồi sức) đã cấp cứu thành công bệnh nhân shock mất máu mức độ nặng do loét xơ chai tá tràng/xơ gan rượu với số lượng máu phải truyền rất lớn.
Ý kiến bàn luận:
– Mặc dù bệnh nhân có tiền sử nghiện rượu nhiều năm, tuy nhiên khi đi khám bệnh chưa một lần được soi dạ dày tá tràng tại bệnh viện Huyện, nên bệnh nhân không hề biết mình bị loét hành tá tràng.
– Bệnh nhân tự đi mua thuốc mỗi khi đau bụng, nên điều trị bệnh lý dạ dày tá tràng không đúng và không đầy đủ.
Kiến nghị:
– Cần tuyên truyền giáo dục để người dân có nhận thức tốt hơn về chăm sóc sức khỏe ban đầu, không tự ý mua thuốc điều trị khi không có đơn của bác sỹ.
– Cần nội soi dạ dày tá tràng để sàng lọc cho những đối tượng có yếu tố nguy cơ cao loét dạ dày – tá tràng ( nghiện rượu, sử dụng thuốc giảm đau chống viêm không được kiểm soát…).
Nguồn: TS Lương Công Chánh
Khoa Ngoại tổng hợp BVĐK Nông Nghiệp