Bệnh viêm não Nhật Bản vào mùa: bác sĩ nhi khoa khuyến cáo đưa trẻ đi tiêm phòng

21/06/2018 Lúc 9:42sáng Người đăng: JK Nguyễn
Thời gian gần đây, các bệnh viện chuyên khoa nhi tiếp nhận một số ca bệnh nhi bị bệnh viêm não Nhật bản biến chứng nặng. Điều đáng nói là những trường hợp này đều chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ số mũi vắc- xin theo quy định…

Bệnh viêm não Nhật Bản thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi (khoảng 90%), trước đây hay gặp ở trẻ 1 – 5 tuổi nhưng nhờ có vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản nên hiện nay ở Việt Nam tỷ lệ trẻ mắc cao nhất ở nhóm tuổi từ 5 – 9.

Bệnh thường phát hiện muộn

Mới đây, thành phố Hà Nội đã ghi nhận ca viêm não Nhật Bản đầu tiên năm 2018. Bệnh nhân là một bé gái 10 tuổi ở xã Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội, được đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương với các triệu chứng sốt cao, li bì…

Trước đó, tại khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã tiếp nhận 2 trẻ mắc viêm não Nhật Bản rất nặng. Hai ca này đều không tiêm ngừa hoặc tiêm chưa đủ số mũi vắc-xin theo quy định.

Nguy hiểm hơn là bệnh viêm não Nhật Bản thường được phát hiện muộn do giai đoạn đầu dễ nhầm lẫn với sốt virus thông thường khác, dẫn tới bệnh nhân diễn biến nặng và để lại di chứng nặng nề.

Theo BSCKII Nguyễn Thị Hồng Lạc – Phó giám đốc, kiêm Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, bệnh viêm não Nhật Bản lưu hành tản phát theo mùa, thường từ tháng 4 đến tháng 10 (mùa mưa ở miền Bắc) đỉnh cao của bệnh thường là tháng 6, tháng 7.

Bệnh do virus gây ra nên các triệu chứng khởi điểm ban đầu của bệnh rất đa dạng, thường giống với bệnh do virus đơn thuần. Đó cũng là nguyên nhân làm cho bệnh dễ bị nhầm lẫn với các bệnh do virus khác. Đặc biệt, ở giai đoạn khởi phát, những triệu chứng có thể chỉ là sốt, viêm long đường hô hấp.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp diễn biến rất nhanh. Nếu như bệnh tối cấp thì chỉ vài tiếng sau khi có nhiễm bệnh, bệnh nhân có thể đi vào ngừng thở, hôn mê, thậm chí tử vong.

Bệnh nhân bị viêm não Nhật Bản có giai đoạn khởi phát trong vòng từ 1 đến 3 ngày. Lúc đầu là sốt kèm theo ớn lạnh, sau sốt cao tăng dần, không đáp ứng với thuốc hạ sốt và đến giai đoạn toàn phát bệnh nhi có các triệu chứng về thần kinh như  lơ mơ, ngủ gà, cứng gáy, đau đầu, buồn nôn, kích thích vật vã, có thể đi vào hôn mê, co giật…

Nhưng khi xuất hiện các triệu chứng này thì thường là muộn cho quá trình điều trị. Tỷ lệ tử vong có thể từ 3 – 60% tùy theo việc phát hiện bệnh sớm hay muộn, trình độ hồi sức cấp cứu tại các tuyến y tế và tùy theo bệnh nhi mắc bệnh thể tối cấp, thể cấp hay thể nhẹ.

“Tôi đã từng gặp một bệnh nhi 8 tuổi mắc bệnh. Lúc bắt đầu sốt, bé đã có cơn ngừng thở và hôn mê. Khi vào đến viện, bệnh nhân được khám, chỉ định xét nghiệm máu, chụp phổi hình ảnh tổn thương phổi rất rõ, được đặt nội khí quản thở máy và điều trị tích cực theo hướng viêm phổi nặng.

Tuy nhiên trẻ vẫn sốt cao liên tục, tình trạng hôn mê không cải thiện, chúng tôi đã hội chẩn và cho bệnh nhân chọc dịch não tủy, làm xét nghiệm thì được xác định là viêm não Nhật Bản. Mặc dù đã được y bác sĩ điều trị tích cực ngay từ đầu nhưng triệu chứng bệnh không thuyên giảm và rất đau lòng là sau 10 ngày thì bé tử vong” – BS Hồng Lạc chia sẻ.

Di chứng thần kinh nguy hiểm

Đa phần các ca viêm não Nhật Bản có diễn biến ban đầu giống nhiều bệnh nhiễm virus thông thường khác nên nhiều cha mẹ, thậm chí là các cơ sở y tế cũng bỏ sót các dấu hiệu để chẩn đoán viêm não Nhật Bản.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Lạc cho biết, bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản giai đoạn đầu có tổn thương não lan tỏa nên chụp CT và cộng hưởng từ não thường khó chẩn đoán xác định được bệnh, mà để chẩn đoán xác định cần chọc dò ống sống lấy dịch não tủy để làm xét nghiệm đặc hiệu tìm virus.

Tuy nhiên nhiều cha mẹ nghĩ rằng khi làm thủ thuật này thì con họ sẽ bị ảnh hưởng về thần kinh. Họ đã lấy ra những dẫn chứng là có trẻ bị tổn thương thần kinh sau khi tiến hành chọc dịch não tủy làm xét nghiệm viêm não Nhật Bản.

xcvbxc

BSCKII Nguyễn Thị Hồng Lạc, Phó giám đốc, kiêm Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp

Vậy nên, nhiều cha mẹ không đồng ý cho các bác sĩ thực hiện thủ thuật này để giúp chẩn đoán và điều trị sớm, nhất là ở các cơ sở y tế tuyến dưới.

Nhưng họ không hiểu được rằng, khi bị viêm não Nhật Bản, bản thân bệnh này gây nên di chứng tổn thương thần kinh chứ không phải do chọc dịch não tủy gây ra di chứng đó.

Chính những hiểu biết chưa chính xác đó làm các bác sĩ gặp nhiều khó khăn trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh. Và khi điều trị muộn, người bệnh có thể tử vong hoặc có di chứng nghiêm trọng về tâm thần, vận động.

“Có những bệnh nhân khi vào bệnh viện tuyến dưới, các bác sĩ nghi ngờ bé bị nhiễm bệnh nhưng khi giải thích cho gia đình làm thủ thuật chọc dò ống sống lấy dịch làm xét nghiệm là ngay lập tức gia đình xin chuyển bệnh viện tuyến trung ương mặc dù lên đó các bác sĩ vẫn phải thực hiện thủ thuật này để chẩn đoán xác định”- BS Hồng Lạc cho hay.

Bệnh viêm não Nhật Bản nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ để lại nhiều di chứng cho người bệnh.Với trường hợp di chứng nhẹ, trẻ có thể bị hạn chế về mặt vận động, trí tuệ phát triển chậm với các biểu hiện như trẻ nói khó, nói ngọng, đi lại khó, bị liệt nhẹ tay chân. Có những trường hợp di chứng nặng bệnh nhân có thể co quắt chân tay không thể vận động, trẻ bị bại não, trẻ sống cuộc sống thực vật sau khi bị viêm não Nhật Bản, gây ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng cuộc sống của trẻ, trở thành gánh nặng vật chất, tinh thần cho gia đình và xã hội.

Bệnh viêm não Nhật Bản do virus gây ra nên chỉ có thể điều trị triệu chứng, hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Chính vì không có thuốc điều trị đặc hiệu nên rất có thể, dù bệnh nhân đã được điều trị theo đúng phác đồ của ngành y tế nhưng vẫn để lại tỷ lệ di chứng nhất định.

Biện pháp dự phòng hữu hiệu 

Bệnh viên não Nhật Bản hoàn toàn có thể phòng ngừa được nhờ biện pháp đặc hiệu và khả thi nhất là tuân thủ việc tiêm phòng viêm não Nhật Bản theo khuyến cáo của Bộ Y tế. 

Tiêm phòng viêm não Nhật Bản tối thiểu phải tiêm 3 mũi. Mũi 1 tiêm cho trẻ trên 12 tháng tuổi, mũi 2 cách mũi 1 khoảng 7 – 10 ngày, mũi thứ 3 nhắc lại sau 1 năm. Ngoài ra, cần phối hợp các biện pháp phòng chống khác như: 

– Ổ chứa virus là gia súc (đặc biệt là lợn), muỗi là vật trung gian truyền bệnh nên cần thực hiện các biện pháp diệt muỗi, di dời khu chăn nuôi gia súc xa khu nhà ở. 

– Thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh môi trường, đảm bảo môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát. 

– Khi đi ngủ cần phải buông màn để tránh muỗi. 

– Hình thành thói quen thăm khám sức khỏe định kỳ. Đặc biệt, khi trẻ có các dấu hiệu ốm, sốt nên cho trẻ thăm khám bác sĩ chuyên khoa nhi để được điều trị hoặc tư vấn phù hợp và hiệu quả nhất.

Các tin liên quan